Các đường đứt gãy không cản trở việc lưu trữ CO2 an toàn dưới mặt đất
Cập nhật vào: Thứ hai - 11/02/2019 12:02
Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu phối hợp giữa các trường Đại học Edinburgh, Freiburg, Glasgow và Heidelberg, khí thải CO2 có thể được thu và và lưu trữ an toàn trong đá ngầm, ngay cả khi xuất hiện các lỗi địa chất. Khả năng khí thoát ra qua các đường đứt gãy vào trong khí quyển là rất nhỏ. Nghiên cứu đã được công bố trong Scientific Reports.
Kết quả nghiên cứu là bằng chứng cho thấy công nghệ thu và lưu trữ cácbon (CCS) mới nổi, trong đó khí thải CO2 từ ngành công nghiệp được thu gom và vận chuyển để lưu trữ dưới lòng đất, là đáng tin cậy.
Cách tiếp cận này có thể giảm phát thải CO2 và giúp hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Nếu được áp dụng rộng rãi, CCS có thể giúp đáp ứng các mục tiêu do Thỏa thuận Paris 2015 của Liên Hợp Quốc đề ra nhằm hạn chế khí hậu nóng lên dưới 2 độ C so với mức của thời tiền công nghiệp. Các phát hiện mới nhất từ những thử nghiệm trên bể chứa CO2 tự nhiên, có thể làm dịu lo ngại của người dân về đề xuất lưu trữ CO2 trong các mỏ khí và dầu đã khai thác về lâu dài.
Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu bể chứa CO2 tự nhiên ở Arizona, Hoa Kỳ nơi khí di chuyển qua các đường đứt gãy địa chất lên bề mặt. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phân tích hóa học để tính lượng khí đã thoát ra ngoài bể chứa dưới lòng đất trong gần nửa triệu năm qua. Kết quả là một lượng CO2 rất nhỏ đã thoát ra khỏi bể chứa mỗi năm nằm trong giới hạn an toàn cho việc lưu trữ hiệu quả.
TS. Stuart Gilfillan, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Kết quả nghiên cứu cho thấy ngay cả các vị trí có lỗi địa chất vẫn là bể lưu trữ CO2 hiệu quả và mạnh mẽ. Phát hiện làm tăng đáng kể số lượng các địa điểm trên toàn thế giới có thể phù hợp để lưu trữ khí nhà kính độc hại này".
TS. Johannes Miocic, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Sự an toàn của việc lưu trữ CO2 là rất quan trọng để áp dụng thành công công nghệ CCS trên diện rộng. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh thậm chí các bể chứa không hoàn hảo, vẫn là điểm lưu trữ CO2 an toàn trong hàng trăm nghìn năm".
N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2019/01/190125084050.htm,