Máy lọc không khí có thể thúc đẩy sự lan truyền COVID-19 trong không gian kín
Cập nhật vào: Thứ tư - 03/02/2021 22:07
Cỡ chữ
Trong những không gian đặc biệt hạn chế như thang máy, máy lọc không khí thực sự có thể gây hại nhiều hơn mang lại lợi ích trong cuộc chiến chống sự lan truyền virus trong không khí.
Kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng nổ trên toàn cầu, các quan chức y tế đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc lan truyền virus trong những không gian hẹp hạn chế lưu thông khí. Trong các bệnh viện, hệ thống thông gió và lọc không khí công suất mạnh đảm bảo không khí được làm sạch và tuần hoàn thường xuyên nhằm ngăn ngừa sự tích tụ và lây lan của sol khí chứa virus. Tương tự, trong máy bay, không khí được lưu thông liên tục để giảm thiểu phát tán virus.
Không khí trong thang máy hầu hết đều bị ứ đọng, khuấy động theo chu kỳ khi thang máy đóng mở cửa. Nhưng một số nhà sản xuất thang máy đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách lắp đặt hệ thống lọc không khí. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Physics of Fluids, những nỗ lực này có thể là sai lầm.
Hệ thống lọc không khí không ảnh hưởng đến độ sạch của không khí trong không gian hạn chế, nhưng ảnh hưởng đến sự lưu thông không khí. Cho đến nay, các tác giả của nghiên cứu mới cho rằng tác động của máy lọc không khí đến sự lưu thông không khí trong không gian hạn chế vẫn chưa được xác định rõ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã điều chỉnh mô hình được thiết kế để mô phỏng sự lan truyền của các giọt sol khí trong nước bọt từ một cơn ho nhẹ, không che miệng. Sau đó, các tác giả điều chỉnh mô hình này thành dạng 3D tương đương với thang máy có 5 người sử dụng. Bên cạnh đó, họ cũng mô hình hóa tác động của mặt nạ và các điều kiện thời tiết khác nhau đối với sự chuyển động của các hạt virus bên trong thang máy.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu xem xét cách hệ thống lọc không khí với sự kết hợp khác nhau của các vị trí dòng khí vào và dòng khí ra, ảnh hưởng đến chuyển động của không khí bên trong thang máy.
Dimitris Drikakis, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã định lượng ảnh hưởng của lưu thông không khí đến sự phát tán virus trong không khí và chỉ ra rằng việc lắp đặt một máy lọc không khí bên trong thang máy làm thay đổi đáng kể lưu thông không khí nhưng không loại bỏ được sự lan truyền virus”. Các mô phỏng cho thấy nguy cơ virus lây lan bên trong thang máy thực sự thấp nhất ở những thang máy ít có sự lưu thông không khí nhất.
Talib Dbouk, đồng tác giả nghiên cứu và nhà nghiên cứu Nicosia, cho biết: “Điều đó là do sự hòa trộn dòng khí bên trong thang máy giảm. Do đó, các cơ quan quản lý nên xác định mức thông gió tối thiểu cần thiết tùy từng loại cấu trúc". Theo hai tác giả của nghiên cứu, mô hình không xem xét sự khác biệt về hiệu quả của cơ chế diệt virus trong các máy lọc không khí khác nhau.
Trong khi ở hầu hết các không gian rộng lớn, lợi ích của việc lọc không khí vượt xa những hạn chế của việc tăng cường lưu thông không khí, thì ở một số không gian nhỏ, nghiên cứu mới nhất cho thấy không khí tù đọng nhiều hơn có thể là tốt nhất.
Drikakis cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc lắp đặt một máy lọc không khí có thể làm tăng sự lây lan của giọt bắn. Cửa hút không khí được tích hợp bên trong thiết bị lọc tạo ra sự lưu thông dòng khí có thể bổ sung vào việc vận chuyển các giọt nước bọt nhiễm virus trong cabin".
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2021/01/26/In-confined-spaces-air-purifiers-may-actually-aid-the-spread-of-COVID-19/4771611676594/, 26/1/2021