Nghiên cứu cho thấy tình trạng ô nhiễm hóa dược phẩm ở các dòng sông trên thế giới
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/03/2022 12:03 Cỡ chữ
Một nghiên cứu phạm vi rộng về tình trạng ô nhiễm hóa dược phẩm ở các dòng sông trên thế giới đã phát hiện thấy có hơn 1/4 trong số những con sông được phân tích có chứa mức độ độc hại tiềm ẩn của các hóa chất. Nghiên cứu giúp mở rộng đáng kể phạm vi kiến thức của chúng ta về tình trạng ô nhiễm này và cũng đưa ra những hiểu biết hữu ích đối với khu vực nó tập trung nhiều nhất.
Một con sông ở Luang Prabang, Lào được lấy mẫu phân tích, một phần của nghiên cứu về ô nhiễm đường thủy.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Đại học York - Vương quốc Anh dẫn đầu. Họ đã xác định được một số lỗ hổng lớn trong kiến thức của chúng ta về sự xuất hiện các chất hóa dược phẩm trong các hệ thống sông trên thế giới. Cho đến nay, nghiên cứu mới chỉ được cung cấp được 75 trong số 196 quốc gia, chủ yếu tập trung vào Bắc Mỹ và Tây Âu. Điều này có nghĩa là tình hình của các khu vực rộng lớn trên thế giới vẫn chưa được biết đến.
Tiến sĩ John Wilkinson, Trưởng nhóm dự án nghiên cứu, cho biết. “Chúng tôi biết được rằng, hơn hai thập kỷ qua, các chất hóa dược phẩm đã xâm nhập vào môi trường nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh học của các sinh vật sống”.
Khảo sát toàn cầu về ô nhiễm hóa dược phẩm ở các con sông, các tác giả đã đánh giá 1.052 vị trí lấy mẫu dọc 258 con sông ở 104 quốc gia từ mọi lục địa trên Trái đất, được coi là “đại diện dấu vân tay dược phẩm của 471,4 triệu người”. Kết quả cho thấy tình trạng ô nhiễm hóa dược phẩm ở nước bề mặt có nồng độ đủ cao gây ra mối đe dọa đối với môi trường hoặc sức khỏe của con người ở hơn 1/4 vị trị được nghiên cứu.
Wilkinson nói: “Thông qua dự án này, kiến thức của chúng tôi về việc phân bổ các chất hóa dược phẩm vào môi trường nước trên toàn cầu được nâng cao đáng kể. Nghiên cứu này cũng trình bày dữ liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới hơn so với toàn bộ các nghiên cứu trước đây”.
Nghiên cứu cho thấy, mức độ ô nhiễm chất hóa dược phẩm cao nhất đến từ việc đổ chất thải dọc theo các bờ sông, cơ sở hạ tầng xử lý nước thải kém và tình trạng sản xuất dược phẩm và việc đổ chất thải trong bể tự hoại xuống dòng sông. Các chất gây ô nhiễm được phát hiện nhiều nhất là thuốc chống động kinh carbamazepine, caffeine và thuốc tiểu đường metformin, cùng với kháng sinh sulfamethoxazole.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa mức độ ô nhiễm cao và tình trạng kinh tế xã hội thấp kém của một quốc gia, tỷ lệ đói nghèo cao và tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương cao. Các quốc gia ô nhiễm nhất và là những quốc gia được nghiên cứu ít nhất cho đến nay là ở châu Phi cận Sahara, Nam Mỹ và Nam Á. Chỉ có hai địa điểm không bị ô nhiễm là Iceland và Làng Yanomami ở Venezuela, nơi người dân địa phương không sử dụng y học hiện đại.
Nghiên cứu này là một phần của nỗ lực nghiên cứu có tên gọi là Dự án Giám sát Dược phẩm Toàn cầu và các nhà khoa học hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng kiến thức trong lĩnh vực này bằng cách mở rộng cách tiếp cận của họ bao gồm phân tích những yếu tố khác như trầm tích và đất.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science gần đây.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/enosystem/global-river-study-toxic-levels-drug/, 25/2/2022