Nghiên cứu xây dựng bộ dữ liệu thao tác chuẩn của người công nhân trên dây chuyền sản xuất sản phẩm áo jacket
Cập nhật vào: Thứ ba - 19/03/2019 10:35
Cỡ chữ
Hiện nay, ở Việt Nam phần lớn các doanh nghiệp may công nghiệp đang sản xuất theo phương thức Cut - Make - Trim (CMT - cắt, may, hoàn thiện), đơn giá gia công sản phẩm thấp, các Doanh nghiệp (DN) muốn có doanh thu cao nhưng chưa chuyển dịch được sang phương thức sản xuất ODM (Original Design Manufacturer - Sản xuất thiết kế gốc) do đó các DN đều tăng cường nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất, chất lượng phụ thuộc ba yếu tố chính: thiết bị, công nghệ và thao tác của công nhân. Hai yếu tố đầu cần nhiều kinh phí, thời gian để thích ứng nên việc cải tiến thao tác của người công nhân vừa có hiệu quả cao, ít tốn kém luôn được doanh nghiệp lựa chọn.

Áo jacket là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam, theo thống kê của Bản tin kinh tế Dệt May 9 tháng đầu năm 2017, trong 30 chủng loại xuất khẩu hàng may mặc, áo jacket đạt 3.662.956.000 USD chiếm tỷ trọng 19,5% đứng thứ hai sau áo thun. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thao tác của người công nhân quyết định lớn đến năng suất, chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt áo jacket là loại sản phẩm thường có kết cấu phức tạp, kiểu dáng thay đổi theo thời trang. Đơn hàng các doanh nghiệp nhận được thường nhỏ, việc nghiên cứu cải tiến thao tác hạn chế, khó tự động hóa cho nên kỹ năng của người công nhân quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, áo jacket là loại sản phẩm có kết cấu phức tạp khó đào tạo trực tiếp tại DN nên rất cần các thao tác trực quan để việc đào tạo đạt hiệu quả. Việc nghiên cứu xây dựng bộ thao tác chuẩn bằng hình ảnh là rất cần thiết giúp các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đào tạo người học, người công nhân làm chuẩn ngay từ đầu và dễ dàng thích ứng với thực tế sản xuất. Từ đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Đặng Thị Thúy Hồng, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đứng đầu đã đề xuất và được chấp thuận triển khai đề tài: “Nghiên cứu xây dựng bộ dữ liệu thao tác chuẩn của người công nhân trên dây chuyền sản xuất sản phẩm áo jacket”.
Sau 12 tháng thời gian triển khai (từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2017), nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Đã trình bày một cách có hệ thống qui trình may áo jacket 2 lớp gồm các bước công việc từ làm dấu đến may hoàn thiện sản phẩm; qui trình cải tiến thao tác gồm 9 bước có sự đánh giá của các chuyên gia về cải tiến, công nghệ trong các doanh nghiệp may áo jacket.
2. Đã phân tích qui trình, thời gian may từng công đoạn để hoàn thiện áo jacket tại 3 doanh nghiệp điển hình. Từ đó, phân tích phát hiện những thao tác thừa và xây dựng qui trình chuẩn, tính thời gian chuẩn cho các công đoạn và đã lấy ý kiến của các chuyên gia, được đánh giá dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao.
3. Xây dựng được bộ video thao tác chuẩn cho 55 bước công việc với hơn 400 thao tác để may hoàn thiện áo jaket 2 lớp được các doanh nghiệp đánh giá cao sau khi thực nghiệm và tổ chức hội thảo.
4. Một số khuyến nghị.
Đối với các doanh nghiệp may: Quy trình, thời gian chuẩn may áo jacket mà đề tài nghiên cứu được áp dụng cho những sản phẩm có tính chất tương đồng về kết cấu, hình dáng; Sử dụng video thao tác chuẩn đào tạo công nhân mới, hướng dẫn rải chuyền để người công nhân làm chuẩn ngay từ đầu; cải tiến thao tác các công đoạn trên dây chuyền.
Đối với các cơ sở đào tạo: Sử dụng qui trình chuẩn, tính thời gian chuẩn đào tạo cán bộ kỹ thuật; Sử dụng video thao tác chuẩn đào tạo sinh viên có kỹ năng tốt thích ứng với môi trường sản xuất công nghiệp.
Nhóm nghiên cứu hy vọng những kết quả đạt được qua đề tài này sẽ được áp dụng thực tế cho đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp may công nghiệp, góp một phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành may Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14650/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
Từ khóa:
hiện nay, phần lớn, doanh nghiệp, công nghiệp, sản xuất, phương thức, hoàn thiện, gia công, sản phẩm, chuyển dịch, thiết kế, tăng cường, nâng cao, năng suất, phụ thuộc, yếu tố, thiết bị, công nghệ, thao tác, công nhân, kinh phí