Đánh giá lịch sử ô nhiễm, xu hướng tích lũy và rủi ro sinh thái của một số nhóm chất halogen hữu cơ khó phân hủy tại khu vực ven biển miền trung Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 05/12/2022 00:23 Cỡ chữ
Mặc dù đã có những nghiên cứu công bố khá đầy đủ về bộ số liệu hàm lượng của OCPs và PCBs trong môi trường, cụ thể là trong trầm tích bùn, sông nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các số liệu về mức độ tích lũy OCPs và PCBs trong trầm tích biển tại các khu vực miền Bắc, đồng bằng sông Cửu Long khá đồng bộ và đầy đủ. Tuy nhiên, các số liệu về OCPs và PCBs tại khu vực miền Trung còn khá rời rạc và chỉ được nghiên cứu tại một vài địa điểm như Thanh Hóa, Nghệ An, Huế và Đà Nẵng. Mặc khác, số liệu về hàm lượng PBDEs trong môi trường tại các khu vực còn khá hạn chế.
Chính vì vậy, nhằm xây dựng một số số liệu đầy đủ về mức độ tích lũy của 3 nhóm chất trên trong môi trường tại khu vực ven biển miền Trung, cung cấp bổ sung cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá rủi ro sinh thái và rủi ro môi trường cho các nhóm chất PÓP trên, xác định xu hướng lịch sử ô nhiễm của các chất POPs trong cột trầm tích trên cơ sở các phương pháp phân tích đồng vị, nhóm đề Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do PGS.TS. Từ Bình Minh làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Đánh giá lịch sử ô nhiễm, xu hướng tích lũy và rủi ro sinh thái của một số nhóm chất halogen hữu cơ khó phân hủy tại khu vực ven biển miền trung Việt Nam” với các nội dung và phạm vi nghiên cứu bao gồm:
- Hoàn thiện quy trình phân tích đồng thời lượng vết và siêu vết các nhóm chất OCPs, PCBs, PBDEs và HBCDs trong các nền mẫu trầm tích và sinh vật, cụ thể là các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như vẹm, hàu, sò. Đặc biệt, quy trình phân tích đồng thời PBDEs và HBCDs trong mẫu môi trường và sinh vật là một trong những hướng nghiên cứu mới nên nội dung này là một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
- Khảo sát thực địa, thu thập thông tin về các khu vực ven biển trải dài từ Nghệ An đến Quảng Nam. Các mẫu trầm tích mặt và trầm tích cột sẽ được thu thập tại các địa điểm khác nhau thuộc vùng ven biển thuộc các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
- Nghiên cứu và tiến hành phân tích hàm lượng của các nhóm chất OCPs, PCBs, PBDEs và HBCDs trong mẫu trầm tích và động vật nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Quy trình phân tích được kiểm soát chất lượng trong tất cả các bước như xử lý sơ bộ, chiết tách, làm sạch dịch chiết, cô đặc làm giàu, định lượng trên thiết bị phân tích hiện đại (GC/ECD, GC/MS và LC/MS/MS), xử lý số liệu và báo cáo kết quả.
- Nghiên cứu và làm sáng tỏ sự phân bố về hàm lượng, phổ tích lũy cho từng chất đồng loại OCPs, PCBs, PBDEs và HBCDs cho từng loại mẫu trên toàn bộ địa bàn khu vực nghiên cứu.
- Nghiên cứu đo đạc hoạt độ đồng vị phóng xạ 210Pb trong các lát cắt của mẫu trầm tích cột (tương ứng với độ sâu trầm tích khác nhau) ở các vị trí thuộc địa bàn nghiên cứu. Nghiên cứu tính toán tốc độ sa lắng của trầm tích, từ đó ước tính tuổi của các lát cắt trầm tích bằng phương pháp mô hình nồng độ ban đầu không đổi (CIC).
- Xác định lượng vết và siêu vết các nhóm chất OCPs, PCBs, PBDEs và HBCDs trong trầm tích cột, đánh giá lịch sử, xu hướng và đặc tính tích luỹ sinh học của các nhóm hợp chất nói trên. So sánh sự phân bố về hàm lượng của các nhóm chất này theo độ sâu của cột trầm tích để tìm ra những quy luật về sự biến đổi và tích luỹ của chúng.
- Nghiên cứu phương pháp đánh giá mức độ tích luỹ và phân bố của các nhóm chất cơ halogen trong một số loại sinh vật nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và trầm tích lấy tại cũng một khu vực. Các loài sinh vật 2 mảnh này được coi là các chỉ thị sinh học (bioindicator) để đánh giá mức độ ô nhiễm của các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ trong hệ sinh thái nước.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
- Đã phát triển và đánh giá quy trình phân tích lượng vết và siêu vết các chất POPs trong trầm tích và động vật thân mềm. Phương pháp xử lý mẫu được lựa chọn có hiệu lực cao (giảm thời gian phân tích và lượng dung môi, hóa chất; có tính đặc hiệu cao đối). Phương pháp phân tích hiện đại và có độ chính xác cao (định lượng PBDEs bằng thiết bị GC/MS, định lượng bằng phương pháp nội chuẩn và pha loãng đồng vị với chất chuẩn đồng hành và chất nội chuẩn được đánh dấu đồng vị bền 13C, quy trình kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng QA/QC được tiến hành nghiêm ngặt).
- Xây dựng bộ số liệu về hàm lượng một số hợp chất OCPs, PCBs và PBDEs trong mẫu trầm tích được lấy tại 6 cửa sông - ven biển từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Mức độ ô nhiễm OCPs và PCBs tại khu vực nghiên cứu tương ứng là 8,99 ÷19,8 ng/g và 19,7 ÷ 820 ng/g. Đề tài đã đánh giá mức độ tồn lưu của PBDEs trong trầm tích mặt tại Nhật Lệ, Sông Hàn và Cửa Đại với hàm lượng các PBDEs trung bình dao động 5 trong khoảng 9,81 ÷ 45,1 ng/g.
- Xây dựng bộ số liệu về đánh giá mức độ tích lũy của cả 3 nhóm chất POPs là OCPs, PCBs và PBDEs trong các cột trầm tích được lấy tại các khu vực nghiên cứu từ Nghệ An đến Quảng Nam. Ở các khu vực nghiên cứu, hầu hết hàm lượng các OCPs đều cao trong giai đoạn cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970. Trong khi đó, hàm lượng PCBs và PBDEs có xu hướng tích lũy cao trong những năm gần đây. Với việc sử dụng kỹ thuật đồng vị 210Pb để xác định tuổi của cột trầm tích, tốc độ lắng đọng trầm tích là một phương pháp nghiên cứu hiện đại và mới tại Việt Nam. Đề tài đã đánh giá được mức độ và xu hướng lịch sử ô nhiễm của một số chất POPs, trong đó PBDEs là nhóm chất thuộc nhóm các POPs mới.
- Đánh giá sự tích lũy của OCPs và PCBs trong 05 loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ đặc trưng tại khu vực nghiên cứu gồm vẹm xanh (Perna viridi), sò biên mai (Pinna nobilis), hàu (Crassostrea gigas), ngao (Metetrix lyrata) và sò huyết (Anadara granosa). Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tính toán hệ số tích lũy sinh học BAF và BSAF nhằm đánh giá và so sánh mức độ tích luỹ sinh học của các chất POPs trong các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Hệ BAF và BSAF cao nhất đối với DDTs và Endosulfan, tương ứng là 1030 và 15.
- Đánh giá rủi ro sinh thái liên quan đến các nhóm POPs tại một số vùng cửa sông ven biển Miền trung với hệ số rủi ro nằm chủ yếu ở mức trung bình.
Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Marine Pollution Bulletin và Tạp chí phân tích Hóa, Lý và Sinh học.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17973/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)