Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/01/2022 01:40 Cỡ chữ
Trên thế giới, đã có một số nghiên cứu đo lường về chất lượng cuộc sống (CLCS) người cao tuổi tại châu Âu và Bắc Mỹ. Khái niệm CLCS được hiểu một cách khác nhau giữa người cao tuổi (NCT) ở khu vực và châu lục.
Khái niệm CLCS khá trừu tượng và bao gồm nhiều yếu tố phức hợp. “Chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống của người cao tuổi” (Global AgeWatch index) năm 2013 là công cụ đầu tiên đo lường chất lượng cuộc sống và sức khỏe NCT trên toàn thế giới được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và Tổ chức vận động quyền lợi cho NCT (HeelpAge international) xây dựng, tổng hợp và công bố để đánh dấu kỷ niệm ngày quốc tế người cao tuổi (1/10). Đây cũng là lần đầu tiên một báo cáo được xây dựng trên phạm vi toàn cầu.
Chương trình Growing Older Programme được thực hiện tại nước Anh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.
WHO đã đưa ra tiêu chí chất lượng cuộc sống (Quality of life-100), mức độ hạnh phúc gồm 100 câu hỏi trắc nghiệm để đo một số tiêu chí với ba nhóm là: (1) mức độ hài lòng về thể chất (sức khỏe; tinh thần; ăn uống, ngủ, nghỉ; đi lại; y tế, chăm sóc sức khỏe); (2) mức độ hài lòng về tâm thần (yếu tố tâm lý; yếu tố tâm linh: tín ngưỡng, tôn giáo); (3) mức độ hài lòng về xã hội (quan hệ xã hội kể cả quan hệ tình dục; môi trường xã hội: an toàn, an ninh, kinh tế, văn hóa, chính trị; môi trường thiên nhiên).
Trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ trọng người 60+ sống độc lập hay sống với vợ/chống dao động từ thấp (2,3% ở Afghanistan) đến mức cao (83,4% ở Hà Lan). NCT có xu hướng sống một mình ở Lithuania (34%) và Phần Lan (33%), trong khi chỉ có 1% NCT sống như vậy ở Afghanistan và Pakistan. Tại Afghanistan, Tajikistan và Pakistan, hơn 90% người 60+ sống chung với con cái. Việc sống chung với con cái cũng không phổ biến ở Đức và Hà Lan (10%). Trên toàn cầu vào năm 2010, gần 40% số người 60+ sống độc lập, trong số này là 70% ởchâu Âu và Bắc Mỹ, 30% ở Mỹ Latinh và vùng Caribe, 27% ở châu Á và 20% ở châu Phi. Năm 2010, 40% nữ và 41% nam 60+ sống độc lập. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong tỷ trọng NCT sống một mình: 17% phụ nữ 60+ so với 9% nam giới 60+. Ở cả châu Phi và châu Âu, số phụ nữ cao tuổi sống một mình nhiều gấp hai số nam giới sống một mình. Một nửa nam giới và phụ nữ 60+ sống chung với ít nhất một con. Tại châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và vùng Caribe, hơn một nửa số NCT sống chung với một con vào năm 2010; con số này ở châu Âu và Bắc Mỹ là chưa đến 1/4. Ở châu Phi, nam giới cao tuổi có xu hướng sống với một con cao hơn phụ nữ cao tuổi (66% so với 53%) trong khi điều này ít phổ biến ở các khu vực khác. Số liệu từ nhiều quốc gia cho thấy NCT ngày càng muốn sống độc lập (37% năm 2010 so với 24% năm 1990), trong khi sống chung với con cái trở nên ít đi (53% năm 2010 so với 65% năm 1990).
Tại Việt Nam, thời phong kiến, do đời sống của người dân vô cùng khổ cực nên quan niệm về CLCS hầu như chưa được quan tâm. Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cuộc sống của người dân từng bước thay đổi. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ bao cấp đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, vì thế CLCS của người dân thời gian đó được nhìn nhận dựa trên khía cạnh vật chất là chủ yếu. Từ khi đổi mới, quan niệm về CLCS từng bước được nhìn nhận theo sự phát triển của kinh tế - xã hội (KT-XH).
Quan niệm về CLCS của người dân Việt Nam ngày nay không còn dừng lại ở đủ “cơm ăn, áo mặc” nữa mà phải là “cơm ngon, áo đẹp; đời sống tinh thần phong phú, sức khỏe thể chất tốt…”.
Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thế Huệ đã tiến hành một số nghiên cứu cho thấy hầu hết NCT cho rằng có được sức khỏe tốt, đời sống tinh thần thoải mái, đủ ăn…thì CLCS của họ như vậy là tốt. Kết quả nghiên cứu “Thực trạng đời sống của NCT từ 80 tuổi trở lên” đã chỉ ra thực trạng “đời sống vật chất của NCT từ 80 tuổi trở lên còn nhiều vất vả, sức khỏe yếu dần, đời sống tinh thần chưa được đáp ứng tốt”. Điều tra cơ bản cấp Bộ “Thực trạng sức khỏe và bệnh tật của NCT Việt Nam” và “Thực trạng NCT tham gia xóa đói, giảm nghèo” năm 2015 đã chỉ ra sức khỏe của NCT ở mỗi nhóm tuổi có những thay đổi khác biệt, tuổi càng lên cao, sức khỏe càng kém, bệnh tật xuất hiện ngày càng nhiều; đời sống của NCT ở nông thôn còn nhiều khó khăn do sức khỏe kém, đất đai không có, thiếu việc làm, thu nhập thấp… nên CLCS còn nhiều bất cập.
Dựa vào những phân tích trên, đề tài đưa ra ục tiêu nghiên cứu chung: Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống NCT. Và mụctiêu cụ thể của đề tài là: Hệ thống hóa cơ sở lý luận về chất lượng cuộc sống NCT; Đề xuất các giải pháp, lộ trình và điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống NCT Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
CLCS là những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ. CLCS thể hiện trên 6 tiêu chí: Sức khỏe thể chất; Tâm lý; Mức độ độc lập; Các mối quan hệ xã hội; Môi trường, thể hiện ở nguồn tài chính, sự tự do, an toàn và an ninh; Tinh thần/tôn giáo/tín ngưỡng
Ở Việt Nam, CLCS của NCT là một vấn đề còn tương đối mới và rất ít nghiên cứu đề cập đến. Chính vì vậy khái niệm về CLCS cũng chưa được tìm hiểu và đánh giá một cách toàn diện. Thời trước đối với đa số người dân phải lo ăn từng bữa, áp lực mưu sinh để tồn tại và cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì CLCS được nhìn nhận chủ yếu trên khía cạnh vật chất, “có cơm ăn, áo mặc, không phải ăn sắn ăn khoai”. Trong xã hội phong kiến bị ảnh hưởng nhiều bởi các đạo giáo Trung Hoa, quan niệm về hạnh phúc của ông cha ta được gói gọn bằng hai công thức đúc kết ngắn gọn quan niệm bình dân về ước vọng hạnh phúc đời này, đó là “Tam Đa” và “Ngũ Phúc”. Ngày nay, quan niệm về CLCS của người dân đang dần biến đổi theo sự phát triển của cuộc sống
Về đời sống kinh tế hiện nay phần lớn NCT còn đang góp phần tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình, nhất là nhóm 60-70 tuổi. Đáng lưu ý, hiện còn một bộ phận đáng kể NCT không có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống bản thân mà phải sống dựa vào con cái. Thực tế, có đa số các gia đình có NCT có mức sống trung bình (61,1%), khoảng 26% NCT sống trong hộ có mức sống nghèo và 13% người sống trong hộ có mức sống khá giàu. Có khoảng cách đáng kể về điều kiện sống giữa NCT ở thành thị và NCT ở nông thôn. Đa số NCT thành thị có điều kiện sống tương đối tốt (nhà ở kiên cố/bán kiên cố, nguồn nước sạch, điện lưới, nhà vệ sinh tự hoại/bán tự hoại). Trong khi đó, chỉ khoảng 1/3 NCT ở nông thôn được sống trong điều kiện này.
Về đời sống tinh thần, hầu hết quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình có NCT đều thuận hòa. Phần lớn NCT có được sự quan tâm, chăm sóc từ các thành viên 20 trong gia đình, đặc biệt là từ người bạn đời của họ và con cái. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của NCT hoặc hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần còn “nghèo nàn”. Điều kiện sức khỏe và điều kiện kinh tế của NCT có tác động mạnh đến hành vi hưởng thụđời sống văn hóa tinh thần của NCT. Điều kiện về các cơ sở dành cho NCT cũng như những hoạt động văn hóa, thể thao tổ chức cho NCT ở các địa phương còn hạn chế cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự tham gia của NCT vào các hoạt động này. Ở cấp độ cá nhân và gia đình, mức sống, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe là những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần của NCT. Cuộc sống hiện đại đang tạo ra một khoảng cách vô hình giữa NCT và con cháu. Thời gian dành cho công việc, nhu cầu học tập cũng như nhu cầu sinh hoạt cá nhân của bản thân những người trưởng thành khiến quỹ thời gian họ dành cho cha mẹ bị hạn chế hơn trước.
Sức khỏe của NCT ngoài 60, tình trạng sức khỏe của con người có sự suy giảm rõ rệt. Tỷ lệ người có sức khỏe yếu chiếm khoảng 1/2 số người trong các cuộc điều tra khảo sát và điều này cho thấy việc chăm sóc sức khỏe chong NCT cần phải được quan tâm, chú ý nhiều hơn. Điều kiện kinh tế là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của NCT. Những NCT có điều kiện kinh tế hạn chế thường ít có cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng chính sách hơn các nhóm khác. Điều này rất đáng lo ngại vì NCT nghèo nếu bị bệnh sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội và có khả năng đẩy họ lún sâu hơn vào tình trạng nghèo đói. Công tác phổ biến kiến thức và kinh nghiệm phòng chữa bệnh cho đối tượng NCT nên được chú trọng nhiều hơn; việc hỗ trợ trước hết cho những gia đình nghèo có NCT để họ có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe. các gia đình đang là người chăm sóc và chi trả chủ yếu kinh phí điều trị khi NCT ốm đau nhưng không ít gia đình gặp khó khăn trong công việc này. Hai khó khăn được nhiều người nhắc tới là khó khăn về kinh tế và thời gian.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16873/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)