Luận cứ khoa học về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công ở Việt Nam trong tình hình mới
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/03/2023 00:05 Cỡ chữ
Ngân sách nhà nước (NSNN) là công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện chức năng quản lý nền kinh tế. Vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua các chính sách thu, chi và cân đối NSNN, trong đó cơ cấu NSNN có liên quan mật thiết đến cơ cấu nợ công. Ở Việt Nam, vai trò của chính sách thu - chi ngân sách đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng được khẳng định rõ ràng trong suốt quá trình đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Để thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều công cụ, giải pháp đã được nghiên cứu và đề xuất, trong đó hệ thống các chính sách tài chính - NSNN luôn là một trong các giải pháp lựa chọn hàng đầu.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế thì việc nghiên cứu, tìm ra các luận cứ khoa học về cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công trong bối cảnh tình hình ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Viết Lợi tại Viện chiến lược và chính sách tài chính đã thực hiện đề tài: “Luận cứ khoa học về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công ở Việt Nam trong tình hình mới” từ năm 2017 đến năm 2020.
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, thể chế tài chính - NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ có kết quả quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính đã bảo đảm đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; động viên hợp lý, phân phối và sử dụng tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển KT-XH; đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, tiếp cận thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, cơ cấu thu NSNN chưa bền vững, cơ cấu chi chưa hợp lý, chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW; hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn yếu kém; nguồn thu NSNN từ DNNN suy giảm; ưu đãi thu còn dàn trải làm giảm thu NSNN, vừa gây cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng, tăng chi phí thuế…
Cơ cấu nợ công đã có sự chuyển dịch tích cực, chuyển dần từ vay ngoài nước sang vay trong nước, cùng với thời hạn vay dài hạn hơn. Hoạt động cấp bảo lãnh vay của Chính phủ đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay dài hạn để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Tuy nhiên, bội chi NSNN vẫn có nguy cơ ở mức cao. Quy mô và nghĩa vụ trả nợ công còn chịu tác động của biến động về lạm phát, tỷ giá, cung cầu ngoại tệ, khả năng cạnh tranh thấp của nền kinh tế và tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến Việt Nam, trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, lãng phí và quản lý chưa chặt chẽ.
Trong thời gian tới, việc cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải hướng tới phát triển nền tài chính quốc gia toàn diện, có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và công bằng, ưu tiên nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phục vụ tốt cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Việc cơ cấu lại ngân sách phải đảm bảo dựa trên các nguyên tắc, quy luật khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đảm bảo phù hợp với các định hướng chung về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong tình hình mới. Theo đó, các giải pháp đề xuất tập trung vào: (i) Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách thu, chi NSNN và quản lý nợ công nhằm điều chỉnh lại cơ cấu NSNN và nợ công; và (ii) Nhóm giải pháp về quản lý, tổ chức thực hiện chính sách thu, chi NSNN và quản lý nợ công nhằm điều chỉnh lại cơ cấu NSNN và nợ công.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18143/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)