Mô hình phát triển Thể dục thể thao Quần chúng ở miền núi
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/01/2023 00:18
Cỡ chữ
Vấn đề phát triển thể thao cho mọi người nói chung, trong đó có phát triển thể dục thể thao (TDTT) quần chúng đã và đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nghiên cứu phát triển TDTT quần chúng cho các vùng miền núi, dân tộc thiểu số và các vùng gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu về phát triển TDTT quần chúng tại Trung Quốc đã quan tâm tới rất nhiều vấn đề như chính sách phát triển TDTT, lịch sử, mô hình phát triển câu lạc bộ TDTT... Đây là những nghiên cứu đã góp phần tích cực trong việc phát triển TDTT quần chúng tại Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu đều xuất phát từ vẫn đề thực tế, tiến hành nghiên cứu lý luận và thực trạng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị chữ chưa ứng dụng kết quả vào thực tế để đánh giá hiệu quả.
Tương tự như ở Trung Quốc, ở Liên Bang Nga, các vấn đề về phát triển TDTT cho mọi người đã được quan tâm dưới nhiều vấn đề khác nhau. Các công trình nghiên cứu của Liên Bang Nga đã quan tâm tới nhiều vấn đề của TDTT quần chúng, từ các vấn đề cũng như vai trò, tác dụng của TDTT tới những nghiên cứu chuyên sâu về phát triển từng môn thể thao cho từng lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, chưa thấy có những công trình nghiên cứu tổng thể về TDTT quần chúng cho từng vùng miền, từng đối tượng.
Chăm sóc sức khỏe, tăng cường thể chất của nhân dân được coi là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Chính phủ. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi nhân dân ta phải có sức khỏe dồi dào, thể chất cường tráng… Vận động thể dục, thể thao là một biện pháp hiệu quả để tăng cường lực lượng sản xuất và lực lượng quốc phòng của nước nhà, đó chính là quan điểm của Đảng ta về phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam. Cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn không ngừng quan tâm, chỉ đạo ngành 2 thể dục, thể thao nước nhà nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu quan trọng này. Chính vì vậy, phát triển TDTT quần chúng nói chung và mô hình câu lạc bộ TDTT nói riêng đã và đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.
Quan điểm của Đảng ta luôn xác định việc đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước; việc giữ gìn, tôn vinh những giá trị thể dục, thể thao dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và phát triển nền thể dục, thể thao nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân, văn minh, là những quan điểm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển.
Phân tích tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Đỗ Hữu Trường thực hiện đề tài “Mô hình phát triển Thể dục thể thao Quần chúng ở miền núi” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng phát triển Thể dục thể thao quần chúng ở miền núi; Xây dựng mô hình phát triển Thể dục thể thao quần chúng ở miền núi.
Quá trình nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển TDTT quần chúng ở miền núi cho phép có các kết luận sau:
Lựa chọn được 30 tiêu chí đủ tiêu chuẩn trong đánh giá sự phát triển phong trào TDTT quần chúng khu vực miền núi, trong đó có 8 tiêu chí đánh giá phong trào TDTT quần chúng và 22 tiêu chí đánh giá về việc tập luyện TDTT của người dân (trong đó có 5 tiêu chí về thông tin cá nhân và 17 tiêu chí về thói quen tập luyện).
Tiến hành kháo sát thực trạng phát triển TDTT quần chúng ở miền núi trên cơ sở khảo sát phong trào TDTT tại 7 tỉnh đại diện cho 3 miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam (Miền Bắc: Hà Giang và Sơn La; Miền 26 trung: Nghệ An, Quảng Ngãi và Đắk Lắk; Miền Nam: Tây Ninh và Bình Phước) với tổng số mẫu khảo sát người dân là 3429 mẫu. Kết quả cho thấy:
- Tỷ lệ tập luyện TDTT thường xuyên thu được của người dân miền núi trong nhóm đối tượng khảo sát đạt 23.86%. Nếu so sánh với tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc năm 2017 là 31.38% và năm 2018 là 32.35% (theo thông kê của Tổng cục TDTT) thì tỷ lệ tập luyện TDTT thường xuyên của người dân miền núi được khảo sát đạt được là rất thấp.
- Người dân tập luyện TDTT thường xuyên khu vực miền núi có thời gian trung bình mỗi buổi tập tương đối dài; thời điểm tập luyện thường là sau 5h chiều và trước 7h sáng; địa điểm tập luyện thường ở các khu sân tập công cộng và thường tập luyện không có người hướng dẫn.
- Những môn thể thao được đông đảo người dân miền núi khu vực tham gia tập luyện gồm cả các môn thể thao hiện đại và các môn thể thao dân tộc. Ở mỗi miền khác nhau (miền Bắc, miền Trung và miền Nam), các môn thể thao được lựa chọn tập luyện là khác nhau và phụ thuộc vào đặc điểm dân tộc của từng vùng miền. Hình thức tập luyện chủ yếu theo hình thức tự tập luyện, theo nhóm bạn và theo các câu lạc bộ thể thao không có thu phí, chưa tham gia nhiều các hình thức tập luyện có thu phí và có tổ chức.
- Người dân tập luyện TDTT thường xuyên tại khu vực miền núi có động cơ tập luyện tích cực, bền vững và nhận thức rất chính xác về tác dụng của tập luyện TDTT. Tuy nhiên, những người không tham gia tập luyện TDTT thường xuyên lại có nhận xét rất sai lệch về tầm quan trọng cũng như tác dụng của tập luyện TDTT. Các nguyên nhân chính dẫn tới người dân miền núi không tham gia tập luyện TDTT là không có thời gian tập luyện, không có địa điểm tập luyện, không có kinh phí tập luyện, không có bạn tập và không thích TDTT.
- Hiệu quả công tác tuyên truyền và hướng dẫn về tập luyện TDTT của chính quyền tới người dân là chưa cao. Tương ứng, người dân chưa hài lòng về công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này.
- Kết quả so sánh về thói quen tập luyện TDTT của người dân khu vực miền núi miền Bắc, miền Trung và miền Nam ngoại trừ các môn thể thao 27 tập luyện, các nội dung khác đa số không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0.05).
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển TDTT quần chúng ở miền núi miền Bắc, miền Trung và miền Nam, sử dụng phương pháp phân tích SWOT phân tích chi tiết đặc điểm đặc trưng của thực trạng phát triển TDTT quần chúng tại miền núi Việt Nam. Kết quả đã xác định được 04 điểm mạnh, 04 điểm yếu, 04 thời cơ và 04 thách thức trong phát triển TDTT quần chúng ở miền núi trong giai đoan hiện nay.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18017/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)