Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/12/2021 01:16 Cỡ chữ
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là mục tiêu phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay, nhất là tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã chỉ ra những thành tựu đạt và hạn chế của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Các giải pháp tại các nghị quyết 19 được nêu ra khá cụ thể và liên quan đến nhiều lĩnh vực, song chủ yếu nhấn mạnh đến giải pháp “Cải thiện môi trưởng kinh doanh”, chứ chưa đi sâu vào các giải pháp còn lại, và đặc biệt chú trọng tới vấn đề nâng cao năng suất lao động, yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu cho thấy năng lực cạnh tranh đang hầu như không được cải thiện, nhất là vấn đề thể chế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Chính vì những lý do trên cần thiết phải có các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu về cạnh tranh của kinh tế Việt nam phải đi từ cơ sở lý luận, hình thành bộ chỉ số thích ứng để so sánh toàn cầu, nhưng lại có định hướng huy động được các tiềm năng và lợi thế “động” của đất nước trong thời kỳ mới. Nghiên cứu này cần dựa trên các khảo sát thực nghiệm ở một số ngành, địa phương, doanh nghiệp và trên phạm vi kinh tế vĩ mô để có thể đi tới các tìm kiến có căn cứ toàn diện (khoa học, thực tiễn).
Đề tài “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” do Cơ quan chủ trì Viện Phát triển doanh nghiệp cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Vũ Tiến Lộc thực hiện với mục tiêu: Định hướng mục tiêu nghiên cứu theo yêu cầu đặt hàng của Chương trình KX.04/16-20 là phân tích làm rõ năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; kinh nghiệm quốc tế về nâng 3 cao năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Tồn tại nhiều định nghĩa về NLCT với cách tiếp cận khác nhau (theo thị phần, chi phí, hiệu quả thương mại, năng suất, mức sống hay tiếp cận từ năng lực của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh,…) cho thấy sự đa dạng trong cách hiểu và khó có được sự thống nhất về lý luận cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, quan điểm phân tích NLCT xuất phát từ năng suất được nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia và học giả khai thác. Theo Porter (1990), NLCT là một tập hợp các nhân tố quyết định năng suất của một quốc gia. Kế thừa và phát triển quan điểm này, rất nhiều nghiên cứu sau này đã chỉ ra năng suất là động lực cốt lõi thể hiện sự khác biệt về mức độ NLCT giữa các quốc gia. Theo đó, nhiều nghiên cứu với các bộ yếu tố (bộ chỉ số) được thiết kế nhằm giải thích sự khác biệt về năng suất giữa các quốc gia, điển hình là các tài liệu chính sách như Chương trình Tăng trưởng của OECD và Chiến lược 2020 của Ủy ban châu Âu. Ở Việt Nam, “Báo cáo Việt Nam 2035” cũng đã được Bộ kế hoạch và Đầu tư (phối hợp với Ngân hàng thế giới - WB) xây dựng dựa trên quan điểm này. Vì vậy, đánh giá NLCT quốc gia theo cách tiếp cận về năng suất là sự lựa chọn hợp lý.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ một nền kinh tế khép kín đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm, và ngày càng là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song nền kinh tế đã và đang bộc lộ những thách thức và vấn đề nội tại, năng lực cạnh tranh còn yếu trên nhiều mặt. Mức thu nhập của Việt Nam còn thấp, ngay cả so với các nước láng giềng trong khu vực. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, khoảng cách thu nhập của người dân Việt Nam so với mức trung bình của các nước đang phát triển tại châu Á ngày càng doãng ra. Hơn nữa, những bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang hiện hữu cho thấy tăng trưởng của Việt Nam còn mong manh. Bên cạnh đó, những diễn biến và thay đổi của môi trường bên ngoài đang diễn ra nhanh chóng và phức tạp, ngày càng tác động nhiều hơn tới nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn mới cần đặt năng lực cạnh tranh (NLCT) và hiệu quả bền vững làm trung tâm khi lựa chọn định hướng chiến lược và mô hình tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trong thời gian qua, các khía cạnh khác nhau về năng lực cạnh tranh quốc gia đã được nhiều tổ chức nghiên cứu và đo lường. Việc tìm hiểu phương pháp luận và hệ thống chỉ số của các báo cáo xếp hạng NLCT trên thế giới giúp cho các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân hiểu và nhận thức rõ hơn về NLCT quốc gia và vận dụng các chỉ số xếp hạng một cách phù hợp khi phân tích NLCT quốc gia. Đề tài đã tham khảo các phương pháp luận và hệ thống các chỉ 36 số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia của một vài tổ chức và quốc gia trên thế giới như Diễn đàn kinh tế thế giới, Viện Phát triển quản lý quốc tế Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu và Hội đồng năng lực cạnh tranh của Ireland. Báo cáo cũng tham khảo các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh như Báo cáo mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thế giới; Xếp hạng môi trường kinh doanh của tạp chí Forbes; Báo cáo chỉ số tự do kinh tế của Quỹ hỗ trợ di sản và Tạp chí phố Wall; Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng thế giới; Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế,… Trên cơ sở đó, nghiên cứu lựa chọn khái niệm năng lực cạnh tranh và cách tiếp cận đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia phù hợp cho Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16987/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)