Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng (Phenacoccus Manihoti Matile- Ferrero) hại sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ
Cập nhật vào: Thứ ba - 18/04/2023 00:02 Cỡ chữ
Rệp sáp bột hồng (RSBH) Phenacoccus manihoti Matile-Ferrero (Homoptera: Pseudococcidae) có nguồn gốc từ Paraguay. Năm 1973, chúng ngẫu nhiên nhập nội vào hai nước cộng hòa Congo và Zaire do những hom sắn bị nhiễm rệp được mang từ Nam Mỹ vào, chỉ sau vài năm sắn ở 2 quốc gia này bị tàn phá nặng nề gần như bị hủy diệt. Từ hai nước Congo và Zaire, RSBH nhanh chóng lan rộng và trở thành sâu hại nguy hiểm ở khắp các nước trong dải trồng sắn Châu Phi. Rệp sáp bột hồng sinh sản đơn tính và lây lan rất nhanh, tàn phá những cánh đồng sắn và làm giảm nghiêm trọng năng suất lá và củ, có nơi giảm đến 80% năng suất củ tươi (Neuenschwander, 2001). Các nước đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng trừ các loài sinh vật hại sắn, đặc biệt là RSBH. Tuy nhiên theo báo cáo thì đối với RSBH biện pháp phòng trừ bằng hóa học hiệu quả không cao. Một số loại thuốc được sử dụng như Cypermethrin, Abamectin, thiamethoxam... nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng, chúng lại xuất hiện và gây hại nặng. Biện pháp sinh học sử dụng tác nhân sinh học như ong ký sinh Anagyrus lopezi đã được áp dụng thành công ở các Nước Châu Phi, Châu Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thái Lan là một trong những nước có thể nói áp dụng thành công biện pháp sử dụng ong A. lopezi trong phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.
Tại Châu Á, RSBH được phát hiện ở Thái Lan năm 2006 và lan rộng ra nhiều vùng trồng sắn thuộc các tỉnh miền Đông và Đông Bắc nước này với diện tích sắn bị RSBH gây hại nặng nhất, khoảng 200.000ha (năm 2010) làm giảm năng suất khoảng 8 triệu tấn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân và chiến lược phát triển sắn bền vững. Sau Thái Lan là Campuchia và Lào cũng là 2 nước bị rệp sáp sắn gây hại tương đối nặng với diện tích nhiễm khoảng 200 ha (Lào, 2011). Tại Việt Nam, loài RSBH xâm nhập lần đầu tiên ở Tây Ninh vào tháng 7/2012 với diện tích trên 80 ha, trong đó 13 ha bị hại nặng với 26-100% số cây nhiễm, 8 ha nhiễm trung bình (16-25% số cây) và 54 ha nhẹ (10-15% số cây), con đường lây lan chủ yếu là qua việc trao đổi hom giống sắn ở vùng biên giới với Campuchia.
Cây sắn (Manihoti esculenta Crantz) là cây trồng quan trọng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây sắn không chỉ là cây lương thực mà còn là cây nguyên liệu công nghiệp quan trọng. Tuy nhiên, cây sắn đang phải đối mặt với những đối tượng sâu bệnh hại làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất sắn bền vững, trong đó RSBH là một trong những đối tượng sinh vật hại nguy hiểm, chúng chích hút dinh dưỡng từ cây sắn, làm cho các ngọn sắn bị chùn, sinh trưởng kém, còi cọc và có thể bị chết, dẫn tới giảm năng suất và chất lượng củ sắn.
Trước tình hình nghiên cứu, Cơ quan chủ trì Viện Bảo vệ Thực vật cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Thủy thực hiện “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng (Phenacoccus Manihoti Matile- Ferrero) hại sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ” với mục tiêu: Xác định được quy luật phát sinh, phát triển, tác hại và biện pháp phòng trừ tổng hợp để ngăn chặn sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng, góp phần bảo vệ sản xuất sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Cây sắn hiện được trồng trên 100 nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Sắn có thể phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng chịu khô hạn và được sản xuất trên những nông hộ nhỏ, nghèo với đầu tư chi phí thấp. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) xếp sắn là cây lương thực quan trọng ở các nước đang phát triển sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Tinh bột sắn là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn của hơn một tỷ người trên thế giới (www. TTTA. Food market, 2009), đồng thời sắn cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng tại nhiều nước trên thế giới và cũng là cây hàng hóa xuất khẩu có giá trị để chế biến bột ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền, ván ép, bao bì, màng phủ sinh học và phụ gia dược phẩm.
Sắn là nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến nhiên liệu sinh học (ethanol). Năm 2008, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đã thu mua sắn và sản xuất ethanol tại các nhà máy đã được xây dựng từ năm 2008 và đã lên kế hoạch sử dụng sắn sản xuất ethanol để pha vào xăng theo tỷ lệ bắt buộc 5% bắt đầu từ năm 2010. Các nước như Lào, Papua New Guinea, đảo quốc Fiji, Nigeria, Colombia và Uganda cũng đang nghiên cứu thử nghiệm cho sản xuất ethanol (TTTA. Outlook for 2009).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Loài RSBH (P. manihoti) là loài gây hại quan trọng nhất trên sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên Nam Trung Bộ trong 7 loài rệp sáp họ Pseudococcidae (F. virgata, P. marginatus, P. Jackbreardsleyi, Planococcus sp., Phenacoccus solenopsis, Phenococcus sp., P. manihoti). Khi bị RSBH gây hại nặng và sớm, chiều cao cây sắn có thể giảm gần 50% và năng suất giảm trên 50%. Hom giống là con đường lây lan chủ yếu của loài RSBH.
- Đã xác định được một số đặc điểm sinh học cơ bản của loài RSBH trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Phú Yên bằng phương pháp nuôi cá thể với thức là lá sắn/búp sắn và cây sắn. Với thức ăn khác nhau thì các chỉ tiêu về thời gian các pha, vòng đời là không khác nhau nhưng sức đẻ trứng là khác nhau. Khi nuôi bằng cây sắn đạt cao hơn rất nhiều so với nuôi bằng lá sắn, chỉ tiêu này tương ứng là 318,1 - 343,67 trứng/cái và 103,75 - 150,2 trứng/cái. Không ghi nhận cá thể đực của RSBH trong quần thể.
- Tất cả các giống sắn trồng phổ biến tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa như KM 94, KM 419... đều bị gây hại bởi RSBH ở cả điều kiện ngoài đồng ruộng 22 cũng như đánh giá trong nhà lưới. Do vậy biện pháp dọn vệ sinh đồng ruộng và xử lí hom giống trước trồng có hiệu quả cao trong phòng trừ RSBH, cũng như làm chậm quá trình xâm nhập và gây hại trên ruộng sắn khoảng 1 tháng so với ruộng đối chứng. Kết hợp với 2 biện pháp trên, biện pháp nhân thả ong A. loperzi kí sinh, cũng mang lại hiệu quả rõ rệt không cần phun thuốc trừ RSBH. Biện pháp thả ong kí sinh A. lopezi, chỉ thả 1 lần duy nhất vào trước đỉnh cao thứ nhất của RSBH tức là vào khoảng giữa đến cuối tháng 5 tại Phú Yên.
- Xây dựng được 3 mô hình (5 ha/mô hình) tại 3 huyện là Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An trong 2 năm 2019 và 2020, tổng cộng là 30 ha. Trong mô hình cây phát triển tốt, tỷ lệ cây bị nhiễm rệp và mật độ RSBH thấp hơn nhiều so với đối chứng. Trong cả hai năm xây dựng mô hình là năm 2019 và 2020, lãi ở các mô hình đều đạt trên 22%.
- Kết quả khác: Tổ chức được 3 lớp tập huấn (50 người/lớp), một hội thảo đầu bờ, đăng tải được 3 bài báo trên tạp chí BVTV, đào tạo được 1 thạc sĩ về RSBH tại Phú Yên, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu chuyên sâu về các loài rệp sáp bột nói chung, loài RSBH nói riêng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18214/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)