Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các quy định về xác định giới hạn tối đa cho phép bụi trong không khí mỏ than hầm lò
Cập nhật vào: Thứ ba - 02/02/2021 12:13 Cỡ chữ
Môi trường làm việc là yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của người lao động. Ở tất cả các nước có nền công nghiệp mỏ phát triển và có lịch sử lâu đời như Liên bang Nga, Ucraina, CHLB Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc... đều ban hành các tiêu chuẩn tối đa cho phép của nồng độ bụi trong không khí mỏ hầm lò, dựa trên cơ sở về hàm lượng silic tự do (SiO2) chứa trong bụi và nồng độ bụi trong không khí mỏ.
Tại nước ta cũng đã cũng đã có tiêu chuẩn TCVN 19:2009 BTNMT và QCVN: 01/2011 - BCT. Tuy nhiên, các Quy chuẩn này chưa làm rõ được phạm vi áp dụng, giới hạn cho phép của bụi trong mỏ hầm lò cũng như phương pháp xác định và tổ chức thực hiện phù hợp với ngành nghề đặc thù như khai thác mỏ than hầm lò. Do vậy để đảm bảo yêu cầu về nồng độ bụi trong quá trình khai thác mỏ hầm lò phải có quy định, tiêu chuẩn thậm chí Quy chuẩn để quan trắc, giám sát chất lượng môi trường làm việc cho công nhân. Vì vậy việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các quy định về xác định giới hạn tối đa cho phép bụi trong không khí mỏ hầm lò là vô cùng cần thiết và cấp bách. Xuất phát từ lý do trên, năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Trung Tâm KHCN Mỏ và Môi trường do TS. Bùi Mạnh Tùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các quy định về xác định giới hạn tối đa cho phép bụi trong không khí mỏ than hầm lò”
Qua phân tích các kết quả về nồng bộ bụi thực tế tại vùng mỏ than Quảng Ninh cho thấy, nồng độ bụi thường dao động quanh 3-4 mg/m3, một số ít thời điểm tại một số mỏ nồng độ bụi vượt trên 7-8 mg/m3. Nếu so sánh kết quả quan trắc với giới hạn nồng bụi chung của bụi than đá trong QCVN 01:2011/BCT thì thường xuyên thấp hơn xa 10 mg/m3, đạt tiêu chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích bụi tổng theo các công đoạn trong công nghệ khai thác mỏ than hầm lò đang hoạt động với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01:2011/BCT cho thấy cơ bản đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, có những thời điểm hàm lượng bụi tổng phát sinh trong lò chợ vượt quá giới hạn cho phép. Các công đoạn vượt quá hàm lượng cho phép thường là công tác khoan nổ mìn hoặc khấu gương than lò chợ.
Ở Việt Nam, QCVN:01/2011-BCT đã quy định nồng độ bụi tối đa cho phép trong khai thác mỏ than hầm lò. Tuy nhiên, trong quy chuẩn này cũng chưa làm rõ bụi này lấy theo ca hay lấy theo thời điểm, cũng như không quy định rõ bụi trong mỏ than hầm lò là loại bụi gì?
Dự thảo quy chuẩn quốc gia về nồng độ bụi tối đa cho phép trong không khí mỏ than hầm lò được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học của các tài liệu sau:
- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01:2011/BCT của Bộ Công Thương.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bụi trong không khí mỏ than hầm lò của nhiều nước có ngành công nghiệp than phát triển.
- Các thông số ô nhiễm đặc trưng bao gồm: nồng độ bụi tổng, nồng độ bụi hô hấp và tỷ lệ phần trăm silic tự do trong bụi SiO2 trong không khí khu vực làm việc ở các mỏ than hầm lò Việt Nam
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16196/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
môi trường, làm việc, yếu tố, quan trọng, ảnh hưởng, sức khỏe, năng suất, lao động, tất cả, công nghiệp, phát triển, lịch sử, lâu đời, liên bang, ban hành, tiêu chuẩn, tối đa, cho phép, nồng độ, không khí, cơ sở