Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh và huy động nguồn lực để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/05/2023 11:08
Cỡ chữ
Tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nói chung và liên tỉnh nói riêng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân do con người gây ra từ việc xả thải các chất thải vào môi trường trong thời gian dài làm sức chịu tải của môi trường tiếp nhận không còn khả năng tiếp nhận các chất thải, cũng như do con người gây ra các sự cố môi trường (SCMT) xảy ra đột ngột, bất ngờ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gây thiệt hại lớn tới môi trường. Ngoài ra, thiên tai cũng là nguyên nhân gây ra các SCMT trong thời gian qua diễn ra ngày càng phức tạp.
Thực tế cho thấy vấn đề ÔNMT liên tỉnh do SCMT gây ra đang là một trong những vấn đề nóng trong quản lý và giải quyết ở nước ta hiện nay, đặc biệt là SCMT do hoạt động sản xuất của con người gây ra. Tình hình ÔNMT liên tỉnh do SCMT ở Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng nhiều với quy mô rộng, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, làm suy giảm tính hữu ích của môi trường tự nhiên, gây thiệt hại lớn tới tài sản, đe dọa tới sức khỏe của người dân. Điển hình các SCMT do con người tạo ra như: chất thải của công ty Vedan và Formosa, các sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc trên biển do vận chuyển..., đã làm ÔNMT nước mặt, làm suy giảm hệ sinh thái các lưu vực sông, bờ biển…; Các SCMT do thiên tai gây ra như nhiễm vệ sinh môi trường do bão lũ, khói mù do cháy rừng gây ra...
Thực trạng công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, trong khi đó, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát sinh và tính chất ngày càng phức tạo của các vấn đề môi trường. Đồng thời các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho công tác BVMT đã được ban hành nhưng còn thiếu tính khả thi, chưa phát huy hiệu quả. Đây có thể là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ÔNMT liên tỉnh do SCMT trong thời gian qua ngày càng gia tăng, do cơ chế chính sách quản lý phối hợp, phân công, phân cấp từ trung ương đến địa phương chưa rõ ràng trong giải quyết các vấn đề ÔNMT liên tỉnh đặc biệt do SCMT, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quản lý, phối hợp kiểm tra, giám sát về môi trường các vùng giáp ranh giữa các tỉnh/thành. Cách thức, cơ chế giải quyết các vụ việc lại khác nhau chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương nên đã có tình trạng bị xung đột hoặc đùn đẩy trách nhiệm do mỗi loại SCMT có tính chất, mức độ khác nhau. Thực tiễn từ những vụ gây ÔNMT liên tỉnh do SCMT xảy ra vừa qua đã làm thiệt hại đến môi trường nghiêm trọng và trên quy mô lớn, nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để, hoặc thời gian giải quyết kéo dài, kết quả giải quyết chưa hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận. Đồng thời nhân lực, phương tiện k thuật, đặc biệt là nguồn lực tài chính phục vụ công tác BVMT, giải quyết và khắc phục hậu quả của SCMT liên tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Một thực trạng cho thấy hiện nay các nguồn lực tài chính dành cho công tác giải quyết SCMT nói chung và liên tỉnh nói riêng còn rất hạn chế, thiếu nguồn dự phòng dẫn đến công tác giải quyết, khắc phục hậu quả và cải thiện, phục hồi môi trường sau sự cố gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời, đặc biệt trên phạm vi liên tỉnh. Mặc dù, trong thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đã ban hành một số văn bản, chính sách pháp luật đã có đề cập đến nội dung huy động nguồn lực tài chính khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường liên tỉnh nói chung và do SCMT nói riêng. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính còn chung chung, chưa cụ thể dẫn đến chưa phát huy và thu hút được các tổ chức, tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia. Để giải quyết các vấn đề ÔNMT liên tỉnh do các SCMT cần một cơ chế, chính sách giải quyết đồng bộ mang tính liên ngành (do tính chất phức tạp của SCMT liên tỉnh), đồng thời cần có một nguồn lực lớn và đủ về cả nhân lực, vật lực và tài lực để giải quyết, ứng phó, khắc phục SCMT và cải thiện, phục hồi môi trường (do quy mô và mức độ ô nhiễm rất cao, gây thiệt hại lớn tới môi trường, tài sản và sức khỏe con người trên diện rộng của nhiều tỉnh). Vì vậy, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để có giải pháp giải quyết các vấn đề ÔNMT liên tỉnh do SCMT và huy động nguồn lực để khắc phục, cải thiện, phục hồi môi trường hiệu quả đối với các SCMT liên tỉnh là hết sức cần thiết.
Trước tình hình thực tế đó, nhóm nghiên cứu, Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, do TS. Bùi Hoài Nam đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh và huy động nguồn lực để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường” để đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề ÔNMT liên tỉnh do SCMT.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
1. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ cơ sở lý luận về việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh, tập trung làm rõ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh do sự cố môi trường (SCMT) từ hoạt động của con người và thiên tai gây ra. Đề tài cũng đã tổng hợp và phân tích kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên bang/liên tỉnh do SCMT ở một số nước trong thời gian qua và cũng rút ra kinh nghiệm cho Việt
2. Đề tài cũng đã đánh giá được thực trạng thực hiện các cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh do SCMT từ trung ương đến địa phương. Đồng thời tổng hợp và phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, khắc phục và phục hồi môi trường do SCMT liên tỉnh điển hình đã được giải quyết trong thời gian qua.
3. Đề tài đã đề xuất được một số giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết SCMT liên tỉnh do con người và do thiên tai gây ra. Đồng thười cũng đã đề xuất một số giải pháp huy động nguồn lực tài chính từ NSNN để ứng phó, khắc phục, cải tạo, phục hồi môi trường cũng như huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN từ tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi SCMT liên tỉnh do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân.
4. Trên cơ sở đề xuất giải pháp, đề tài đã xây dựng được chi tiết nội dung dự thảo chỉ thị Thủ tướng Chính phủ nhằm chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thống nhất phân công và phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh bởi SCMT (do con người và thiên tai gây ra). Cũng như chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế phân công, trách nhiệm huy động, quản lý, phân bổ và giám sát phân bổ nguồn lực tài chính từ NSNN và ngoài NSNN để giải quyết, ứng phó, khắc phục, phục hồi môi trường cũng như hỗ trợ thiệt hại cho người dân bởi SCMT liên tỉnh do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân.
Kết quả của đề tài góp phần hoàn thiện pháp luật, tạo cơ chế minh bạch và nâng cao hiệu quả của các cơ chế, chính sách về giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh và huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Khắc phục nhanh và kịp thời các thiệt hại về môi trường. Việc nghiên cứu thành công đối với đề tài sẽ là đóng góp quan trọng trong việc hạn chế được các tác động của ô nhiễm môi trường đối với con người và thiệt hại về kinh tế. Các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các giải pháp đưa ra sẽ tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng thời, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, cụ thể là các đề xuất về cơ chế, chính sách, các đơn vị liên quan sẽ có cơ sở khoa học, thực tiễn để lập kế hoạch chỉnh sửa các vướng mắc, bất cập, bổ sung các quy định mới, đồng thời xây dựng và ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến các cơ chế, chính sách giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường liên tỉnh do SCMT và huy động nguồn lực khắc phục ô nhiễm và cải thiện ô nhiễm môi trường liên tỉnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18251/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)