Nghiên cứu gói kỹ thuật canh tác lạc, vừng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho các vùng trồng chính
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/12/2021 09:31
Cỡ chữ
Lạc và vừng là hai cây trồng cạn truyền thống của nước ta, có khả năng chịu hạn, có thời gian sinh trưởng ngắn, được trồng ở hầu tất cả các vùng sinh thái nông nghiệp trong cả nước. Do vậy, việc lựa chọn hai cây lạc, vừng để nghiên cứu và nâng cao hiệu quả kinh tế phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng là thực tế và khả thi. Tuy nhiên theo số liệu thống kê của cả nước và các tỉnh cho thấy năng suất giữa các vùng/tỉnh còn chênh lệch khá lớn, đặc biệt là cây lạc.
Những tiến bộ kỹ thuật mới về giống và kỹ thuật canh tác đã được tạo ra thời gian qua từng bước đem lại hiệu quả tích cựu song mới được áp dụng ở một số vùng nhất định và thực tiễn cho thấy vùng/tỉnh nào áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới thì năng suất và hiệu quả kinh tế của vùng đó tăng cao.Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các vùng trồng lạc, vừng chính (Đối với lạc: Vùng Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc; đối với vừng: Vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhóm nghiên cứu tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm do ThS. Nguyễn Xuân Đoan dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu gói kỹ thuật canh tác lạc, vừng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho các vùng trồng chính” từ năm 2016 đến năm 2019.
Đề tài nhằm xác định được các giống lạc, vừng có năng suất cao, chất lượng tốt và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các vùng trồng lạc, vừng chính (đối với lạc: Vùng Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc; đối với vừng: Vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long).
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Đã điều tra hiện trang sản xuất lạc, vừng tại 07 tỉnh gồm: Hà Giang, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, đại diện cho các vùng trồng lạc, vừng chính là: Bắc Trung bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long qua đó xác định các yếu tố hạn chế như: áp dụng cơ giới hóa ít; mật độ, phân bón, biện pháp che phủ, chưa được quan tâm, áp dụng TBKT chậm… Từ đó đề xuất giải pháp bổ sung giống mới, mật độ, phân bón, thời vụ, biện pháp che phủ…, đồng thời áp dụng cơ giới hóa để giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế.
- Khảo nghiệm bộ giống lạc, vừng đã xác định: Đối với cây lạc đã xác định 04 giống cho vùng thâm canh là: L23, L18, L27, L29 (năng suất 4,50 -5,09 tấn/ha), và 04 giống lạc cho vùng nước trời là: L23, L17, L27, L29 (năng suất đạt từ 3,89- 4,26 tấn/ha) thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Đối với cây vừng: xác định 02 giống thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ là V6, VĐ11 cả trong điều kiện thâm canh (năng suất 1,24-1,28 tấn/ha) và nước trời (năng suất 0,92-0,98 tấn/ha). Đồng thời xác định 02 giống vừng: V6 và V28 thích hợp cho vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long cả trong điều kiện thâm canh (1,20-1,28 tấn/ha) và nước trời (0,81-0,87 tấn/ha).
- Đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lạc tại vùng Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
- Đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác vừng tại vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đã xây dựng thành công 05 mô hình thử nghiệm (gói kỹ thuật canh tác lạc: 02 mô hình và gói kỹ thuật canh tác vừng: 03 mô hình) tại các địa phương đại diện cho các vùng trồng chính như: Bắc Giang, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương khác.
Đề tài xây dựng 03 quy trình kỹ thuật canh tác lạc, vừng đã được công nhận TBKT gồm: (1) Quy trình kỹ thuật canh tác lạc tại một số tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc; (2) Quy trình kỹ thuật canh tác vừng cho vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; (3) Quy trình kỹ thuật canh tác giống vừng tại một số tỉnh vùng Bắc Trung bộ.
Việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu gói kỹ thuật canh tác lạc, vừng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho các vùng trồng chính” là cần thiết và khả thi nhằm tuyển chọn được các giống lạc, vừng có năng suất cao, chất lượng tốt và hoàn thiện gói kỹ thuật canh tác phù hợp với vùng sinh thái nêu trên.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16832/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)