Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát Trạm biến áp hạ thế từ xa qua mạng thông tin di động trên nền WebServer
Cập nhật vào: Thứ sáu - 18/06/2021 13:53 Cỡ chữ
Cung cấp điện ổn định, an toàn và liên tục để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của Ngành điện Việt Nam. Theo thống kê của Ngành điện, hàng năm có hàng nghìn sự cố xảy ra liên quan đến Trạm biến áp (TBA), có hàng trăm vụ trộm cắp tài sản của Ngành điện tại các TBA, điều này ảnh hưởng rất lớn đến yêu cầu cung cấp điện ổn định, liên tục và uy tín của Ngành điện Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để giám sát, cảnh báo các TBA là rất cần thiết.
Hiện nay, trên cả nước có hàng trăm nghìn TBA hạ thế được lắp đặt trên khắp mọi miền của tổ quốc, do các Công ty điện lực, các Điện lực quận, huyện trực tiếp quản lý. Tại một số Công ty điện lực đã thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát TBA từ xa, còn lại việc theo dõi hoạt động, giám sát các thông số kỹ thuật của các TBA phần lớn vẫn thực hiện thủ công, định kỳ công nhân phải trực tiếp đến các TBA kiểm tra, đo đếm, thu thập số liệu và ghi chép sổ sách, lập báo cáo. Tại mỗi Điện lực có 01 bộ phận trực xử lý sự cố (XLSC) điện luôn luôn bố trí nhân lực để trực 24/24. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra tại các TBA hạ thế gây mất điện cả trạm hoặc một khu vực, thì bộ phận trực XLSC không có thông tin mất điện kịp thời và chính xác vị trí xảy ra sự cố, mà thông tin chủ yếu do người dân ở khu vực bị mất điện cung cấp. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản của Ngành điện tại các TBA, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến việc cấp điện ổn định, liên tục và tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đứng trước tình hình đó, một số đơn vị đã nghiên cứu giải pháp cảnh báo, giám sát TBA. Các giải pháp này được áp dụng bước đầu đã thu được hiệu quả nhất định, tuy nhiên, các thiết bị giám sát TBA hầu như chưa kết hợp với chức năng đo đếm điện năng, tần suất gửi các thông số cần giám sát còn "thưa", chưa có tính năng cảnh báo mất điện ở các lộ ra của tủ hạ thế, khi mất điện thì không giám sát được. Trước nhu cầu cấp thiết đó, nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Duy Phong, Trường Đại học Điện lực đã đăng ký và được Bộ Công thương phê duyệt và giao cho chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát Trạm biến áp hạ thế từ xa qua mạng thông tin di động trên nền WebServer” với mục tiêu là nghiên cứu thiết kế, chế tạo và ứng dụng thành công thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát TBA hạ thế từ xa qua mạng thông tin di động, nhằm quản lý và giám sát hiệu quả các TBA hạ thế.
Đề tài đã hoàn thành tất cả các nội dung theo thuyết minh đề tài được phê duyệt và thu được những kết quả như sau:
- Nghiên cứu đánh giá hiện trạng việc quản lý, giám sát các TBA hạ thế đang sử dụng trên lưới điện Việt Nam.
- Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn giải pháp công nghệ để cảnh báo mất điện và giám sát TBA hạ thế từ xa.
- Nghiên cứu giải pháp truyền thông giữa Trung tâm và thiết bị cảnh báo, giám sát.
- Nghiên cứu thiết kế thiết bị cảnh báo và giám sát TBA hạ thế từ xa.
- Nghiên cứu xây dựng các chương trình điều khiển cho thiết bị cảnh báo và giám sát.
- Nghiên cứu thiết kế, xây dựng Phần mềm cảnh báo, giám sát tại Trung tâm.
Nhóm đề tài đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công:
- 02 thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát TBA hạ thế có chức năng: Đo các thông số về điện của đầu vào và các lộ ra của tủ hạ thế; nhiệt độ, độ ẩm tại tủ hạ thế; chuyển đổi cấp nguồn để cảnh báo khi TBA bị mất điện; truyền thông tín hiệu đo, cảnh báo về trung tâm.
- 01 Phần mềm cảnh báo, giám sát tại Trung tâm có khả năng cảnh báo sự cố mất điện và giám sát TBA; cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra sự cố với TBA và phụ tải, lưu trữ dữ liệu và lập báo cáo.
Hai thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát TBA hạ thế được lắp đặt tại TBA Đức Diễn 1 và TBA Kiều 4 Mai 7 thuộc Đội quản lý điện 4, Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm. Phần mềm cảnh báo, giám sát được cài đặt tại địa chỉ evn-tech.vn để cảnh báo, giám sát từ xa các TBA. Sản phẩm của đề tài đã được bàn giao cho Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm theo dõi, thử nghiệm. Sau một thời gian thử nghiệm sản phẩm của đề tài hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đề ra trong thuyết minh đề tài đã được Bộ Công thương phê duyệt. Khi ứng dụng sản phẩm của đề tài, đã giúp hệ thống điện và các TBA hoạt động ổn định, an toàn, tin cậy, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng dịch vụ khách hàng, tiết kiệm khá lớn chi phí trong quá trình vận hành, khai thác, kiểm tra hệ thống điện. Theo đánh giá của Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm đây là sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu cảnh báo mất điện & giám sát các TBA hạ thế, cần cho phép triển khai nhân rộng mô hình của đề tài
Với những kết quả thu được của đề tài, Cơ quan chủ trì đề tài và Chủ nhiệm đề tài kính đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương xem xét cho phép tiếp tục nghiên cứu dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm và nhân rộng sản phẩm của đề tài này trong thực tiễn, góp phần hiện đại hóa trong công tác vận hành, điều khiển, giám sát hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15789/2019) tại Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)