Nghiên cứu thiết kế nhiên liệu mới và phân tích nhiễu nơtron trong chuẩn đoán an toàn lò phản ứng hạt nhân
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/12/2021 04:44 Cỡ chữ
PGS.TS. Trần Hoài Nam cùng các cộng sự tại Trường Đại học Duy Tân đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế nhiên liệu mới và phân tích nhiễu nơtron trong chuẩn đoán an toàn lò phản ứng hạt nhân” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài hướng vào thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu các thiết kế nhiên liệu mới và phát triển phương pháp mô phỏng nhiễu neutron ứng dụng trong việc chuẩn đoán an toàn lò phản ứng hạt nhân; nghiên cứu thiết kế mới bó nhiên liệu lò phản ứng VVER-1000 sử dụng chất hấp thụ Gd2O3 dạng hạt để cải tiến độ dẫn nhiệt của thanh viên nhiên liệu và các đặc trưng hạt nhân của vùng hoạt lò phản ứng; phát triển các mô hình mô phỏng chu trình nạp nhiên liệu liên tục cho lò phản ứng Pebble Bed Reactor (chu trình OTTO và multi-pass); và phát triển mô hình mô phỏng dao động bó nhiên liệu bên trong vùng hoạt lò PWR, dự đoán tính chất nhiễu neutron đo bởi các detector tại các vị trí bên ngoài vùng hoạt để hỗ trợ chuẩn đoán an toàn vận hành lò phản ứng.
Đề tài đã hoàn thành được các nội dung nghiên cứu như dự kiến. Cụ thể như sau:
+ Khảo sát và so sánh các chu trình nhiên liệu áp dụng cho lò phản ứng Pebble Bed Reactor (PBR) loại nhỏ, công suất 10 MWt. Trong đó, các tính toán khảo sát tập trung với hai chu trình nhiên liệu sử dụng Uranium và Thorium và áp dụng với hai chu trình nạp tải nhiên liệu là OTTO và Multi-pass.
+ Nghiên cứu thành công khả năng sử dụng Minor actinides (Np, Am, Cm) trong nhiên liệu 2 loại lò phản ứng neutron nhanh với công suất 600 MWt là S-CO2-FR (sử dụng CO2 là chất làm mát) và SFR (sử dụng Sodium là chất làm mát). Việc sử dụng Minor actinides trong nhiên liệu lò phản ứng nhanh sẽ góp phần làm giảm chất thải hạt nhân có thời gian sống dài, đồng thời cải thiện các đặc trưng hạt nhân của vùng hoạt lò phản ứng.
+ Nghiên cứu thành công thiết kế bó nhiên liệu mới cho lò phản ứng VVER-1000 sử dụng chất hấp thụ Gd2O3 dạng hạt. Thiết kế mới này có nhiều ưu điểm vượt trội so với bó nhiên liệu truyền thống như giảm hệ số công suất cực đại trên các thanh nhiên liệu, tăng độ an toàn của lò phản ứng.
+ Phát triển thành công mô hình mô phỏng vật lý lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (DNRR), và thực hiện các tính toán đánh giá ảnh hưởng các thư viện dữ liệu lên các đặc trưng của vùng hoạt lò phản ứng DNRR.
Các kết quả của đề tài đã được công bố trên 3 tạp chí quốc tế uy tín.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16824/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)