Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hồi sức hô hấp trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng nhằm đối phó với dịch cúm
Cập nhật vào: Chủ nhật - 06/02/2022 22:03 Cỡ chữ
Lịch sử thế giới đã trải qua nhiều đại dịch cúm nguy hiểm lan rộng khắp các vùng lãnh thổ, gây thiệt hại rất lớn về người và của, điển hình là những đợt dịch: từ năm 1918 đến 1956 do virus Spanish - H1N1 khiến 40 triệu người chết, từ năm 1956 đến 1967 do virus Asian H2N2, đại dịch năm 1968 do virus Hồng Kông H3N2 và đại dịch năm 1977 do virus Russian H1N1.
Gần đây liên tiếp bùng phát những đợt dịch virus cúm A rất nguy hiểm: virus cúm A H5N1 lần đầu tiên xuất hiện ở Hồng Kông năm 1997 lây nhiễm cho 18 người, trong đó 6 người đã tử vong. Sau đó, từ năm 2003 đến nay có tổng số trên 300 người mắc bệnh ở nhiều nơi trên thế giới với tỷ lệ tử vong là 63,1%; Việt Nam là nước có số người mắc đứng thứ 2 ở Đông Nam Á với tỷ lệ tử vong 50%.
Để đối phó với dịch cúm, cần phải nghiên cứu quy trình ứng dụng các kỹ thuật hồi sức hô hấp hiện đại đối với bệnh nhân suy hô hấp nặng. Vì vậy, việc triển khai ngay đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước: “Nghiên cứu quy trình ứng dụng một số kỹ thuật hồi sức hô hấp hiện đại trong cấp cứu điều trị bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng nhằm đối phó với dịch cúm" là hết sức cấp bách. Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Quốc Anh tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Nghiên cứu hiệu quả của phương thức thở máy NAVA trên bệnh nhân thông khí nhân tạo; nghiên cứu hiệu quả của kỹ thuật điều chỉnh các thông số máy thở thông qua áp lực thực quản; nghiên cứu hiệu quả lọc máu hấp phụ với màng lọc oXiris trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển; và nghiên cứu hiệu quả của kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp không đáp ứng với máy thở.
Sau bốn năm thực hiện kéo dài từ năm 2014 đến năm 2018, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã nghiên cứu hiệu quả của phương thức thở máy NAVA trên bệnh nhân thông khí nhân tạo. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đưa ra quy trình kỹ thuật thông khí nhân tạo phƣơng thức NAVA để có thể sử dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng;
- Đã nghiên cứu hiệu quả của kỹ thuật điều chỉnh các thông số máy thở thông qua áp lực thực quản. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra quy trình kỹ thuật đặt ống thông áp lực thực quản, cách đo và điều chỉnh PEEP theo áp lực thực quản để có thể sử dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng;
- Đã nghiên cứu hiệu quả lọc máu hấp phụ với màng lọc oXiris trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển. Từ đó đưa ra quy trình kỹ thuật lọc máu liên tục bằng quả lọc Oxiris trong phối hợp điều trị ARDS để có thể sử dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng;
- Đã nghiên cứu hiệu quả của kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giƣờng (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp không đáp ứng với máy thở. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đưa ra quy trình kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp không đáp ứng với máy thở để có thể sử dụng trong thực tế lâm sàng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17053/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)