Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của vận tải hàng hóa bằng đường sắt
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/12/2021 09:05
Cỡ chữ
Yêu cầu hình thành mạng lưới vận tải quốc gia tối ưu cả về giá thành vận chuyển, chất lượng phục vụ, sự hài hòa giữa các phương thức vận tải cũng như vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn là yêu cầu cấp thiết đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải. Sự mất cân đối về mức thị phần đảm nhận giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là tình trạng quá tải của vận tải đường bộ là nguyên nhân chính của việc gia tăng các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông, hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp nhanh chóng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các phương thức vận tải, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Tình trạng trên phản ánh hoạt động vận tải quốc gia của Việt Nam vẫn ở dạng manh mún, không có sự kết nội đồng bộ giữa sản xuất, phân phối và cung ứng dịch vụ vận tải.
Vì nhiều lý do mà trong những năm gần đây, đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã để mất đi vai trò là lực lượng GTVT chủ đạo, đảm nhận chuyên chở hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, an toàn, tốc độ tương đối cao. Vận tải đường sắt (VTĐS) đang bị tụt hậu so với các phương thức vận tải khác trong cuộc đua về giá cả, chất lượng, thị phần và lợi nhuận. Số liệu thống kê từ 2010 đến 2017, thị phần vận tải hàng hóa của ngành đường sắt chiếm tỷ lệ quá 2% trên tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành giao thông vận tải, điều này cho thấy năng lực cạnh tranh (NLCT) của VTĐS suy giảm rất rõ rệt trước các ngành vận tải khác, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về tăng cường vận tải hàng hóa (VTHH) bằng đường sắt hướng tới các mục tiêu: Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải; tăng cường kết nối các phương thức vận tải trong hệ thống vận tải quốc gia; giảm giá thành sản phẩm xã hội; tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, năm 2020 tăng thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt lên 3% và và 5% ở năm 2030. ĐSVN phải sớm có những giải pháp khả thi để phát triển các mặt hoạt động công tác của Ngành, khẳng định vị thế của VTĐS trong điều kiện cạnh tranh tự do với các phương thức vận tải khác trên thị trường vận tải. Vì vậy, nhóm nghiên cứu gồm Cơ quan chủ trì Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thu Sao thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của vận tải hàng hóa bằng đường sắt” nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao NLCT của VTHH bằng đường sắt cho Tổng công ty ĐSVN là thực sự cần thiết và cấp bách. Với mục tiêu Hệ thống hóa lý luận về nâng cao NLCT của VTHH bằng đường sắt và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về NLCT của VTHH bằng đường sắt để rút ra bài học cho Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN. Phân tích, đánh giá thực trạng các mặt hoạt động của ĐSVN và các phương thức vận tải khác cạnh tranh với VTĐS, trên cơ sở đó xác định các nhân tố ảnh hưởng đến NLCT của VTHH bằng đường sắt. Xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ và khả thi về hoàn thiện cơ chế chính sách, công nghệ đường sắt, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch tổ chức khai thác vận tải hàng hóa bằng đường sắt để đưa ra mô hình phục vụ tổ chức khai thác VTHH bằng đường sắt.
Toàn mạng lưới đường sắt quốc gia đã có 7 tuyến đường sắt với tổng chiều dài cả đường chính và đường nhánh là 3.143 km, chạy qua trên 30 tỉnh và thành phố trong cả nước. Hiện có 6 tuyến đường sắt hiện đang khai thác là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (1726 km); Hà Nội - Hải Phòng (104 km); Hà Nội - Lào Cai (296 km); Hà Nội - Đồng Đăng (167 km); Hà Nội - Quán Triều (75 km); Kép - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (109), tuyến Kép - Lưu Xá có chiều dài 55 km, hiện đã dừng khai thác.
Khu vực phía Bắc có tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội dài 40 km nối các ga Hà nội, Gia Lâm, Yên Viên, Cổ Loa, Đông Anh, Bắc Hồng, Kim Nỗ, Phú Diễn, Hà Đông, Văn Điển, Giáp Bát.
Trong nhiều năm trở lại đây, mặc dù vẫn được coi là ngành vận tải quan trọng nhưng mức đảm nhận thị phần trong cả hai lĩnh vực vận chuyển hành khách và hàng hóa đã giảm sút rất nhiều, vận tải đường sắt đang được xã hội đánh giá là lạc hậu, không năng động, yếu kém về NLCT và không có nhiều đổi mới để phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Đề tài đã thực hiện được các nội dung sau:
- Hệ thống hóa lý luận về nâng cao NLCT của VTHH bằng đường sắt và nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và trong khu vực về nâng cao NLCT của VTHH bằng đường sắt để rút ra bài học cho Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN.
- Phân tích, đánh giá thực trạng các mặt hoạt động của ĐSVN và các phương thức vận tải khác cạnh tranh với VTĐS. Trên cơ sở đó xác định hiện trạng NLCT và các nhân tố ảnh hưởng đến NLCT của VTHH bằng đường sắt làm cơ sở cho xây dựng các nhóm giải pháp nâng cao NLCT của VTHH bằng đường sắt.
- Đề xuất các nhóm giải pháp đồng bộ và khả thi về hoàn thiện cơ chế chính sách, công nghệ đường sắt phù hợp với điều kiện và năng lực hiện tại của Ngành Đường sắt. Các giải pháp đề xuất hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư từ các nguồn lực cho phát triển GTVT đường sắt; tăng cường kết nối VTĐS tổ chức vận tải đa phương thức nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu VTHH của khách hàng, đặc biệt là nhóm các khách hàng xuất, nhập khẩu và vận tải LVQT bằng đường sắt; cải thiện chất lượng các mặt hoạt động liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu hàng trên đường sắt; giảm chi phí và giá thành VTĐS; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch tổ chức khai thác VTHH bằng đường sắt để xây dựng phần mềm phục vụ tổ chức khai thác VTHH bằng đường sắt hiệu quả, từ đó nâng cao được NLCT của vận tải đường sắt trên thị trường vận tải.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16889/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)