Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn nuôi phát dục tôm thẻ chân trắng (penaeus vannamei) bố mẹ
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/12/2019 08:49 Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là đóng góp từ nuôi trồng thủy sản không ngừng gia tăng, con tôm vẫn là đối tượng xuất khẩu chính và được xem là giải pháp tối ưu để nâng cao sản lượng và giá trị thủy sản xuất khẩu. Do đó nghiên cứu về đối tượng mới như rươi, trùng huyết sẽ tạo cơ hội mới cho người dân chọn lựa thêm đối tượng nuôi mới đồng thời cũng góp phần làm tăng khả năng thành công cho nghề nuôi tôm tại Việt Nam, đồng thời tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc lầm góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ cảnh quan môi trường ven biển. Ngoài ra việc thay đổi đối tượng nuôi mới trong các ao đìa nuôi tôm bị ô nhiễm trước đây góp phần cải thiện chất lượng nước, thay đổi hệ vi sinh vật có trong vùng nước, nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước so với nuôi tôm và từng bước cải thiện được chất lượng nước ở các ao nuôi tôm bỏ hoang trước đây.
Trùng huyết (Marphysa mossambica Rouse và Fauchald, 1997), rƣơi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages, 1865) thuộc ngành giun đốt Annelida, lớp giun nhiều tơ Polychaeta và họ Eunicidae. Đây là lớp có số lượng loài phong phú, phân bố rộng và có thể sống trong khoảng biến thiên nhiệt độ và độ sâu lớn (Rouse và Fauchald, 1977). Ở Việt Nam trùng huyết phân bố ở vịnh Yên Tiên - Hà Cối (sách chuyên khảo: Vũng vịnh ven bở biển Việt Nam và tiềm năng sử dụng, 2008), các tỉnh miền Trung Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa (nguồn: điều tra khảo sát). Rươi phân bố nhiều tại Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Thái Bình…
Ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về giun nhiều tơ, tuy nhiên chưa có nghiên cứu sâu về sinh sản trùng huyết, rươi. Những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở phân loại và đặc điểm sinh học. Vì thế để phát triển nuôi đối tượng trùng huyết, rươi phục vụ cho các trại sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ cần phải có nghiên cứu, đánh giá có tính khoa học và hệ thống đối tượng này. Đặc biệt là nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm làm thức ăn nuôi vỗ tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ, góp phần thúc đẩy người nuôi trồng thủy sản có thêm cơ hội thành công mới khi nuôi thương phẩm đối tượng này nhằm tận dụng các khu vực nuôi tôm kém hiệu quả, cải thiện đời sống cho người dân ven biển là vấn đề cấp thiết và cấp bách.
Với mục tiêu chung là có được quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm trùng huyết (Marphysa mossambica) rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) làm thức ăn nuôi phát dục tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Nhóm nghiên cứu bao gồm Cơ quan chủ quản Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài Cao Văn Hạnh để thực hiện.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Mùa vụ sinh sản chính của trùng huyết bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8. Sức sinh sản tuyệt đối trung bình 4.079,5 trứng/cá thể cái và sức sinh sản tương đối trung bình 569,6 trứng/ cá thể.
- Nuôi vỗ thành thục trùng huyết bằng thức ăn công nghiệp (thức ăn cho tôm, cá) kết hợp cá tạp cho kết quả tốt hơn cả về tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, tỷ lệ thành thục và sức sinh sản. Mật độ trong nuôi vỗ thành thục thích hợp 100con/m2 . Đối với rươi, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp mùn bã hữu cơ cho tỷ lệ thành thục, tỷ lệ sống và sinh trưởng cao nhất đạt 26,87%; 79,8% và 0,82g/con.
- Sinh sản nhân tạo trùng huyết, rươi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho kết quả cao nhất. Tỷ lệ thụ tinh trùng huyết trung bình 66,44% và tỷ lệ nở 70,5%. Đối với rươi tỷ lệ thụ tinh trung bình đạt 66,86% và tỷ lệ nở đạt trung bình 70,86%.
- Sử dụng thức ăn tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp cho kết quả tăng trưởng trùng huyết về chiều dài, phát triển số lượng đốt cơ thể và tỷ lệ sống cao hơn so với cho ăn đơn thuần tảo tươi và thức ăn tổng hợp. Rươi cho ăn tảo đơn bào kết hợp thức ăn tổng hợp cho kết quả ương nuôi cao nhất.
- Độ mặn thích hợp với trùng huyết trong giai đoạn ương (1- 60 ngày) dao động từ 30 - 35‰ và 10-15‰ đối với rươi. - Sử dụng thức ăn công nghiệp (thức ăn cho tôm, cá) trong nuôi thương phẩm trùng huyết có tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống cao hơn so với thức ăn rong biển và công nghiệp. Thức ăn công nghiệp kết hợp mùn bã hữu cơ cho kết quả cao nhất đối với rươi.
- Sử dụng trùng huyết, rươi làm thức ăn cho nuôi vỗ tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho kết quả về tỷ lệ thành thục, tỷ lệ để và số ấu trùng/cá thể cái cho kết quả cao hơn các loại thức ăn khác.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15240/2018) tại Cục Thông tin KH&CNQG.
Đ.T.V (NASATI)