Những vấn đề cấp bách trong thực hiện tái định cư ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay
Cập nhật vào: Thứ ba - 04/04/2023 11:05
Cỡ chữ
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là vùng giàu tài nguyên có nhiều lợi thế để phát triển các ngành kinh tế như: thủy điện, khoáng sản, lâm nghiệp. Trong những năm qua để phát triển kinh tế, chúng ta đã có nhiều chương trình, dự án thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy điện, đường giao thông, thủy lợi (hồ đập)... làm ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục nghìn người sống ở các vùng dự án.
Để đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững trong các chương trình/dự án thu hồi đất và TĐC ở vùng DTTS và miền núi, Nhà nước đã ban hành một hệ thống các chính sách, quy định về TĐC trong hầu hết các cấp văn bản hiện hành. Tuy nhiên, tổng kết về các chương trình/dự án thu hồi đất và TĐC ở vùng DTTS và miền núi trong những năm qua đã chỉ ra nhiều bất cập như: còn thiếu sự tham gia của người dân trong nhiều hoạt động, công tác đền bù, bồi thường nhiều nơi chưa công bằng và không hợp lý, hỗ trợ hậu TĐC mang tính ngắn hạn, mức hỗ trợ thấp hơn so với nhu cầu thực tế… Trước thực trạng nêu trên, TS. Nguyễn Lâm Thành cùng các cộng sự tại Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện đề tài: “Những vấn đề cấp bách trong thực hiện tái định cư ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay” từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu: nghiên cứu những vấn đề cấp bách trong chính sách tái định cư ở vùng DTTS và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay để làm rõ kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách tái định cư từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp, góp phần hoàn thiện chính sách tái định cư ở vùng DTTS và miền núi nước ta đến năm 2030.
Đề tài đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề cấp bách trong chính sách tái định cư ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay. Trên cơ sở hệ thống hóa chính sách về tái định theo 4 giai đoạn gắn với những thay đổi lớn trong luật pháp liên quan đến đất đai (1986 - 1993, 1993 - 2003, 2003 - 2013, và 2013 đến nay). Đề tài đã chỉ ra các hạn chế, bất cập của các chính sách TĐC như công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các khu, điểm TĐC chưa tốt; công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất còn chậm; công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân TĐC chưa được triển khai sâu rộng; một số dự án chưa thực hiện được việc bồi thường, hỗ trợ đất sản xuất trên cốt ngập của các hộ dân TĐC, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân…
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã đánh giá tác động và tính bền vững của việc thực hiện chính sách TĐC. Trên cơ sở đó, đề tài đã xác định được một số vấn đề cấp bách trong quá trình thực hiện chính sách TĐC như: (i) Mâu thuẫn xã hội phát sinh, tuy không nhiều, nhưng đã xuất hiện tại một số nơi do mức đền bù TĐC khác nhau giữa các dự án TĐC. (ii) Một vấn đề cấp bách khác là chưa có sự ổn định về nơi ở cho người dân các khu TĐC, trong khi đó các công trình công cộng tại các khu TĐC ngày càng xuống cấp mà không có chi phí duy tu, bảo trì, bảo dưỡng. (iii) Tại nhiều khu TĐC còn chưa có giải pháp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường sống do những thiếu sốt ngay từ khâu quy hoạch khu xử lý rác thải, thu gom nước thải.
Qua việc thực hiện các mục tiêu, đề tài đã xác định các nút thắt chủ đạo và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách TĐC, cụ thể như sau:
Giải pháp hoàn thiện khâu lập quy hoạch, kế hoạch TĐC luôn được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, bền vững. Giải pháp tiếp theo là ưu tiên phát triển bền vững cơ sở hạ tầng cho người TĐC với các khuyến nghị cụ thể liên quan tới quy định tiêu chí trong thiết kế cơ sở hạ tầng, quy định về nâng cấp và bảo trì cơ sở hạ tầng, quy định về cho phép người tái định cư được chủ động xây nhà ở.
Giải pháp đảm bảo tính thực thi và bền vững của các chính sách TĐC là tăng cường sự tham gia của người dân và các bên liên quan, cụ thể gồm các đề xuất nhằm tăng cường vai trò của người dân trong quá trình TĐC, tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội, tăng cường tiếng nói và vai trò của phụ nữ DTTS.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18279/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)