Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển tại Phú Yên
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/03/2023 00:01 Cỡ chữ
Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên hơn 5.060 km2, với 189 km chiều dài đường bờ biển, hình thành nhiều eo, vịnh, đầm phá có lợi thế rất lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn là một trong những ngành kinh tế mạnh của tỉnh, với tổng diện tích thả nuôi là gần 3.000ha, sản lượng thu hoạch bình quân gần 10 nghìn tấn/năm, với nhiều loại thủy sản có giá trị cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, sò huyết, cá các loại. Các vùng nuôi trồng thủy sản lợ, mặn của tỉnh Phú Yên tập trung ở các huyện Đông Hòa, Thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (www.phuyen.gov.vn).
Đầm Cù Mông nằm ở cực Bắc tỉnh Phú Yên, có diện tích khoảng 2.655 ha, được bán đảo Vĩnh Cửu che chắn bên ngoài. Đầm có chiều dài khoảng 18 km tính từ điểm cực Bắc của đầm tiếp giáp thôn Tuy Phong - xã Xuân Hải đến điểm cực Nam đầm tiếp giáp thôn Từ Nham - xã Xuân Thịnh. Nơi rộng nhất của đầm khoảng 3,6 km; nơi hẹp nhất khoảng 0,277 km, đầm thông ra biển qua một cửa phía Nam, rộng khoảng 400 m. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, vùng nuôi trồng thủy sản ao đìa nước lợ, nước mặn được quy hoạch tại xã Xuân Hải và Xuân Hòa, đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu có diện tích là 160 ha, sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tấn (Sở TNMT tỉnh Phú Yên, 2018). Trên thực tế hiện nay, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn của tỉnh đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thủy sản như nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi đột ngột và diễn biến không theo quy luật nên nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, mùa vụ thả nuôi không còn phù hợp. Các vùng nuôi trước đó chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, hoặc có những vùng nuôi đã có quy hoạch nhưng bị phá vỡ, không tuân thủ quy hoạch.
Cơ sở hạ tầng hệ thống kênh cấp, thoát nước; hệ thống ao nuôi, ao lắng, khu xử lý nước thải không đầy đủ, nếu có cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo ngăn chặn, phòng ngừa mầm bệnh lây nhiễm. Tình hình bệnh dịch vẫn thường xuyên xảy ra, chất thải từ ao nuôi ra môi trường không được xử lý triệt để dẫn đến việc kiểm soát môi trường nuôi và kiểm soát bệnh dịch gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đầm Cù Mông với diện tích khoảng 26,55 km2, là vùng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Nguồn thải của đầm Cù Mông tiếp nhận chủ yếu từ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong khi đó có thể trao đổi nước kém và không có giải pháp xử lý môi trường kèm theo, tiếp tục làm tích tụ một lượng chất thải lớn, tăng nguy cơ xảy ra các tai biến, sự cố môi trường gây chết các loài thủy sản tự nhiên cũng như các đối tượng nuôi trong khu vực. Hơn nữa, với tình hình thời tiết diễn biến bất thường; nắng nóng kéo dài vào mùa khô, mùa mưa thường xuyên có bão đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, có nguy cơ làm biến động môi trường và bùng phát dịch bệnh trên tôm nước lợ, nước mặn, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, các vùng nuôi ở Xuân Hòa, Xuân Hải, đầm Cù Mông chưa được tỉnh Phú Yên, Tổng cục Thủy sản đưa vào kế hoạch thực hiện quan trắc, cảnh báo chất lượng nước nuôi trồng thủy sản trong năm 2019. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời làm căn cứ giúp cơ quan quản lý chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cần thiết phải được tăng cường bổ sung điểm quan trắc, cảnh báo vùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm năm 2019 tại xã Xuân Hải, Xuân Hòa và đầm Cù Mông, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã giao cho nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường đột xuất năm 2019 vùng nuôi tôm, cá tại đầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên với nội dung: “Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển tại Phú Yên” nhằm quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nguồn nước cấp cho vùng sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ thương phẩm ở xã Xuân Hải, Xuân Hòa thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; đánh giá được hiện trạng chất lượng môi trường, xác định tình trạng ô nhiễm vùng nuôi và các mối nguy phát sinh dịch bệnh cho tôm, cá nuôi tại đầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trên tôm, cá nuôi tại đầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra kết luận sau:
Môi trường nguồn nước cấp vùng sản xuất giống, nuôi thịt tôm nước lợ ở xã Xuân Hải, Xuân Hòa, thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có các thông số lý, hóa đều phù hợp giới hạn cho phép sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ theo quy định. Chỉ số CCME-WQI tại các điểm quan trắc đều cho chất lượng môi trước nước ở mức tốt đến rất tốt, phù hợp đối với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ở các vùng nuôi đã phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số và V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trong thủy vực, nhất là khu vực cầu Bình Phú thuộc xã Xuân Hòa và Thôn 1, xã Xuân Hải (phía trong đầm). Tại Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh (vùng nuôi tôm hùm lồng) có nhiệt độ và vi khuẩn Vibrio cao vào tháng 7/2019 và 8/2019; hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp chưa đảm bảo cho tôm hùm nuôi theo quy định.
Nuôi trồng thủy sản ở đầm Cù Mông đã được UBND tỉnh Phú Yên phân vùng quy hoạch từng tiểu khu, phần lớn vùng nuôi nằm trong quy hoạch, song diện tích nuôi ao đìa (tôm nước lợ, cá mú, ốc hương, rong...) vượt 1,44 lần và tổng số lồng nuôi tôm hùm vượt 2,2 lần so với quy hoạch vào năm 2020. Hiện trạng chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm, cá tại đầm Cù Mông ở mức tốt từ tháng 7-9/2019, có dấu hiệu suy giảm và đạt mức trung bình vào tháng 11/2019. Chất lượng trầm tích tại các vùng nuôi đều có mật độ Vibrio cao hơn 1.000 cfu/g, có thể lây nhiễm vào môi trường nước 68 gây ảnh hưởng đến tôm cá nuôi, đặc biệt vùng nuôi tôm hùm, cá biển lồng có nguy cơ gây ra những tác động xấu ở các thủy vực nuôi tôm, cá tại đầm Cù Mông.
Các tác nhân gây bệnh (WSSV, EHP, RLB, V. alginolyticus, Streptococcus sp.) có tỷ lệ bắt gặp khá cao trong cơ thể tôm hùm và cá nuôi ở các vùng thu mẫu là mối nguy có ảnh hưởng đến phát sinh dịch bệnh trên tôm cá nuôi ở đầm Cù Mông. Thủy vực đầm Cù Mông đang chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động sản xuất, đời sống của con người mà đặt biệt là từ nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước đầm biến động theo mùa, khả năng tiếp nhận chất thải mùa mưa cao hơn mùa khô, hàm lượng muối dinh dưỡng dư thừa vào mùa mưa, mùa khô trạng thái cân bằng dinh dưỡng là khá tốt.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường đầm Cù Mông đã được đề xuất.
Nhóm thực hiện đề tài kiến nghị cần thực hiện quản lý vùng, số lồng nuôi ở đầm Cù Mông. Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và chia sẻ thông tin kỹ thuật nuôi, quản lý bệnh cho người dân thông qua hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, in áp phích. Có biện pháp xử phạt những thành viên không chấp hành tốt. Đồng thời, cần nghiên cứu đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh ở vùng nuôi lồng vịnh Cam Ranh, Nha Trang và nghiên cứu các biện pháp cải tạo, phục hồi môi môi trường trầm tích các vùng nuôi ở đầm Cù Mông.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18081/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)