Xây dựng mô hình công nghệ xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nguồn nước tại tỉnh Bình Thuận
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/06/2022 01:01 Cỡ chữ
Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu và điều kiện cơ bản của cuộc sống con người; là một trong số các tiêu chí của xã hội văn hóa, văn minh và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; là một trong số các nội dung cơ bản trong Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index) được Liên Hiệp Quốc xác định là mục tiêu thiên niên kỷ.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển KT-XH chung của cả nước, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến, mức sống ngày được nâng cao, đa số dân cư nông thôn đã từng bước có ý thức và quan tâm đến nhu cầu sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch qua từng năm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh có sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình, Dự án, kế hoạch hàng năm để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là thực hiện các chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiếu số... để xây dựng công trình cung cấp nước sạch từ các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTGQ), vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Tuy nhiên, nhiều vùng dân cư nông thôn do tập quán, thói quen và đời sống khó khăn nên người dân còn vứt rác thải, chất thải bừa bãi đã gây tác động xấu đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước làm suy giảm tài nguyên nước. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng nóng lên của trái đất, các nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng khan hiếm, một số nơi thuộc khu vực phía bắc và trung tâm, mực nước trên các hồ chứa, sông suối dần cạn kiệt gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nguồn nước ngầm ngày càng bị ảnh hưởng nặng. Huyện Hàm Thuận Nam có nhiều khu vực nước bị nhiễm phèn, một trong những khu vực bị nhiễm phèn nặng nhất là xã Tân Thuận có 7 thôn với 743 hộ dân sử dụng nước bị nhiễm phèn, đa số nguồn nước giếng ở các thôn nhiều năm nay bị ô nhiễm nặng do nhiễm phèn, cứ đào lên 10 giếng có 7 giếng nhiễm phèn. Hàng ngày, người dân vẫn sinh hoạt, ăn uống bằng nguồn nước này, do không đảm bảo vệ sinh nên người dân có nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da là rất cao. Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, UBND xã vận động người dân xây bể lọc đánh phèn để hạn chế phần nào nước bị nhiễm phèn nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách tạm thời tình trạng thiếu nước sinh hoạt thời gian vừa qua; Huyện Hàm Thuận Bắc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu bán khô hạn vùng cực Nam Trung Bộ, tuy nhiên do phân hóa về địa hình nên khí hậu của huyện được chia thành hai tiểu vùng gồm vùng khí hậu miền núi và vùng khí hậu đồng bằng ven biển. Thời gian qua, do nắng nóng kéo dài nên người dân thiếu nước sinh hoạt phải sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, theo kết quả kiễm mẫu nước của Trung tâm nước sạch VSMTNT cho thấy nhiều mẫu nước bị nhiễm phèn, có mẫu có hàm lượng Sắt và Mangan cao, cần phải xử lý trước khi sử dụng; Huyện Tuy Phong có diện tích 795 km2, dân số 141.331 người (tính đến năm 2015). Đây là một trong những huyện khô hạn nhất của tỉnh, nước sinh hoạt thiếu hụt trầm trọng. Việc cấp nước cho huyện Tuy Phong chủ yếu dựa vào các nguồn nước ngầm, nhưng một số nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn khá cao. Chương trình cung cấp nước sạch đã thi công rất nhiều giếng, tuy nhiên lượng cung cấp còn nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Nguồn nước nhiễm phèn gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân các địa phương. Điều mong mỏi hiện nay là các cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá chi tiết, khoa học những hệ lụy khi người dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, một số vùng bị nhiễm mặn. Đồng thời sớm có biện pháp làm giảm phèn để người dân có thể sử dụng sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe và giúp họ yên tâm sinh sống.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sử dụng, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu gây hạn hán nghiêm trọng ở một số địa phương trong tỉnh làm thiếu hụt nguồn nước sạch cung cấp cho người dân, người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn sử dụng cho sinh hoạt, đồng thời với mong muốn được tiếp nhận một công nghệ đã được công nhận giải pháp hữu ích và được triển khai có hiệu quả ở một số địa phương trong thời gian qua. Cơ qua chủ trì Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KHCN Bình Thuận đã cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Tình cùng thực hiện nghiên cứu “Xây dựng mô hình công nghệ xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nguồn nước tại tỉnh Bình Thuận” với mục tiêu: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống của người dân tại Bình Thuận; Giúp người dân hiểu biết về tác hại của nước bị nhiễm phèn và tiếp cận được công nghệ xử lý nước cho sinh hoạt.
Vấn đề xử lý nước nhiễm phèn đã được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm rất nhiều và cũng đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đối với nguồn nước ngầm, việc xử lý nước thường phức tạp do nguồn nước phụ thuộc vào địa hình, địa chất của từng khu vực. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm nhiễm phèn hoặc nước cứng phải xử lý thường chứa nhiều ion Fe2+, Al3+ , Ca2+, Mg2+… nên hiện nay các Công ty cấp nước thường sử dụng phương pháp hóa học là oxy hóa các chất vô cơ trong nước bằng chất oxy hóa như Clorua vôi, KMnO4, O3, …, tiếp đó keo tụ các chất rắn lơ lửng, các ion có trong nước bằng phèn nhôm hoặc dạng muối kép tương tự (ví dụ PAC, PACN-25), sau đó cho nước đi qua hệ thống lọc bằng lớp cát dày và cuối cùng là cho hóa chất khử trùng vào nước (như nước Javen, dung dịch clorin, clorua vôi, cloramin B (hoặc T) trước khi cung cấp cho người dân sinh hoạt, tiêu dùng.
Đa số các phương pháp chủ yếu được ứng dụng để xử lý nước nhiễm phèn sắt là phương pháp hóa - lý như dùng tro bếp, khử bằng vôi hay xử lý bằng các chất oxy hóa mạnh (Cl2, KMnO4, O3) đi kèm với dùng hệ thống lọc nước..., trước khi cấp nước sinh hoạt cho người dân hoặc cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt những công trình xử lý nước này với quy mô lớn, cung cấp nước chủ yếu tại các khu dân cư tập trung. Các phương pháp này khá tốn kém và không an toàn, thường gây ra những vấn đề ô nhiễm thứ cấp. Bà con nông dân tại các vùng nông thôn, miền núi, nơi có mật độ dân cư thấp thường không tiếp cận được nguồn nước này. Ngày ngày, có hàng ngàn hộ dân phải lọc nước phèn bằng phương pháp thủ công để sinh hoạt dù rất tốn thời gian. Để có được lượng nước tương đối ít phèn phục vụ sinh hoạt gia đình họ phải sử dụng hệ thống lọc phèn bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên nước lọc xong vẫn không đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt được nên không dùng để nấu ăn, uống được.
Qua thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Tiếp nhận 08 quy trình công nghệ về xử lý nước nhiễm phèn quy mô hộ gia đình;
- 06 kỹ thuật viên và 08 nhân viên hỗ trợ Dự án được đào tạo 08 quy trình kỹ thuật và kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống lọc nước nhiễm phèn;
- Hoàn thành việc lắp đặt 400 mô hình xử lý nước nhiễm phèn hộ gia đình quy mô 3m3 /ngày, 100% hệ thống đều xử lý nước đạt QCVN 02:2009/BYT.
- Tập huấn 08 lớp kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống lọc nước nhiễm phèn cho 400 hộ tham gia Dự án;
- Tổ chức 04 Hội thảo đầu bờ nhân rộng kết quả Dự án với 200 lượt nông dân tham gia
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17266/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)