Xây dựng mô hình mẫu về thu gom xử lý nước thải cho khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ hai - 11/01/2021 04:26 Cỡ chữ
Nông thôn nước ta đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: đường xá, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ… Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại những thay đổi tích cực về đời sống, cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan môi trường nông thôn, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và sự tác động từ các cụm công nghiệp và khu đô thị lân cận. Chất thải làm cho môi trường không khí, nước, đất ở khu vực nông thôn đang bị ô nhiễm và có xu hướng gia tăng, đặc biệt vấn đề nước thải nông thôn chưa thực sự được quan tâm đã gióng lên hồi chuông báo động ở khu vực nông thôn.
Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Hưng thực hiện nhằm mục tiêu: Đề xuất được giải pháp thu gom đạt trên 80% nước thải; Xây dựng được 02 mô hình mẫu xử lý nước thải sinh hoạt; nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 14:2008 cột B; Xây dựng được tài liệu thu gom và xử lý nước thải; Đề xuất được chương trình truyền thông và giải pháp nhân rộng mô hình.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Phong trào xây dựng Nông thôn mới đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước ta lựa chọn. Hiện nay, Chương trình Môi trường Quốc gia xây dựng NTM đã được triển khai trên cả nước, nhiều vùng nông thôn đã thay đổi từ khi tham gia xây dựng NTM cả bộ mặt nông thôn và chất lượng thực của nông thôn. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt các tiêu chí khác nhưng không thực hiện đồng bộ, hiệu quả tiêu chí 17 sẽ ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện Chương trình.
Môi trường nông thôn ngày càng chịu sức ép ô nhiễm từ hoạt động dân sinh: chất thải rắn, nước thải sinh hoạt… do quá trình phát triển gia tăng dân số (67% dân số cả nước sinh sống ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải, khoảng 1,3 tỉ m3 nước thải). Do vùng nông thôn Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) có những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tập quán sinh sống và nhận thức, mặt khác mật độ dân cư tại vùng ĐBSH khá cao, nhưng phân bố không đồng đều. Dân cư tập trung cao ở một số tỉnh vùng lõi (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên), thưa hơn như tại Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định. Đặc biệt dân sinh sống thưa thớt tại các khu vực ven biển.
Kết quả khảo sát tại 3 tỉnh, 9 huyện và 27 xã gồm: tỉnh Bắc Ninh đại diện cho khu vực phía bắc, Hưng Yên đại diện cho khu vực trung tâm và Nam Định đại diện cho khu vực phía Nam của vùng ĐBSH cho thấy: dân cư nông thôn tại Hưng Yên, Bắc Ninh sống tập trung hơn so với Nam Định; có thể phân thành các vùng: nông thôn tại các làng quê thuần nông và nông thôn vùng ven đô thị, thị trấn, thị tứ.
Nhiệm vụ môi trường: “Xây dựng mô hình mẫu về thu gom xử lý nước thải cho khu vực nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng” đã xây dựng thành công 02 mô hình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt; nước thải sau xử lý đạt QCVN 14:2008 cột B tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động và xã Hải Hà, huyện Hải Hậu.
Nhiệm vụ đã lựa chọn giải pháp thu gom nước thải sinh hoạt đạt trên 80% bằng rãnh bê tông cốt thép hoặc xây gạch (rộng 40 hoặc 60 cm) và xử lý nước thải áp dụng công nghệ sinh học cải tiến (dạng mô hình phân tán). Ngoài ra nhiệm vụ đã đánh giá được tình hình thực hiện tiêu chí môi trường: Điều tra, khảo sát tại 3 tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh (290 hộ và 27 UBND xã, 9 huyện); Xây dựng được tài liệu hướng dẫn thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt vùng ĐBSH và Đề xuất được chương trình truyền thông và giải pháp nhân rộng mô hình, mở lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương và người dân tại 2 xã Phú Thịnh và Hải Hà.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15839/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
nông thôn, vai trò, quan trọng, quá trình, phát triển, kinh tế, xã hội, nhà cửa, khang trang, chương trình, mục tiêu, quốc gia, xây dựng, thay đổi, tích cực, đời sống, cơ sở, môi trường, bộ mặt, tuy nhiên, nguy cơ