Con đường xuất khẩu chính ngạch cho trái sầu riêng Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/11/2022 11:39
Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Nếu như trước kia, cây sầu riêng chỉ được trồng chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020.
Sầu riêng Việt Nam đang ngày càng thể hiện vị trí thống lĩnh trên thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường lớn nhất châu Đại Dương - Australia, với hàng loạt thương hiệu đặc trưng riêng như ASEAN Produce, Vin Eni, Basel, Ưu Đàm, No1… Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Australia là rất lớn, vì người gốc Á tại Australia thưởng thức sầu riêng đông lạnh quanh năm. Người gốc phương tây cũng bắt đầu trải nghiệm loại quả này do các chiến lược quảng bá sầu riêng của nhiều quốc gia gợi lên sự hiếu kỳ.
Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỷ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019 - 2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 11/7/2022, Bộ NN-PTNT, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này. Theo đó, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt nam nhưng chủ yếu là theo đường tiểu ngạch, việc sản phẩm sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với các vùng trồng sầu riêng.
Tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 76 mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm: 51 mã số vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói. Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc, với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của thị xã Buôn Hồ và 1 mã của thành phố Buôn Ma Thuột.
Để sầu riêng đảm bảo chất lượng và điều kiện khi xuất khẩu, nhà vườn và các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đóng gói đúng quy định, giấy tờ hồ sơ hợp lệ, thông tin xuất khẩu phải đầy đủ tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần phải liên tục nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị, từ khâu trồng trọt, đóng gói đến khâu vận chuyển nhằm đáp ứng tốt các quy định đề ra trong Nghị định thư.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 10/2022