Dấu hiệu nám da sớm
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/06/2022 12:01
Cỡ chữ
Nám da là hiện tượng rối loạn sắc tố da do hắc tố melanin phát triển quá mức ở lớp đáy và trung bì dẫn đến tình trạng các mảng - đốm có màu nâu nhạt hoặc nâu đậm trên bề mặt da.
Nám xuất hiện chủ yếu trên da mặt, ở gò má, môi, cằm, sống mũi. Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng có thể bắt gặp ở vị trí khác nhau trên cơ thể tại các vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời như cánh tay, mu bàn tay, vùng da cổ.
Hiện tượng nám thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20-50 tuổi. Đặc biệt ở phụ nữ có thai, sau sinh và giai đoạn tiền mãn kinh nám da xuất hiện khá phổ biến. Yếu tố địa lý, chủng tộc, màu da cũng là một trong những yếu tố khiến phụ nữ châu Á, da màu có tỉ lệ nám da cao hơn so với phụ nữ da trắng. Nám da cũng có thể xảy ra đối với nam giới nhưng ở mức độ ít hơn.
Như vậy, nhuyên nhân gây nám da là do rối loạn sắc tố thứ phát bắt nguồn từ:
- Nguyên nhân nội sinh: Quá trình lão hóa da, sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ, tress kéo dài, nhiễm độc thủy ngân, chì, corticoid… có trong các loại mỹ phẩm, do cơ địa.
- Nguyên nhân ngoại sinh: Tình trạng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt, các tia bức xạ UVA, UVB có trong ánh nắng kích thích tế bào hắc tố gây rối loạn sắc tố da dẫn đến nám da; Bệnh lý viêm, nhiễm trùng nhiễm độc; Dị ứng da tại chỗ; Dinh dưỡng không hợp lý: thiếu hoa quả tươi, thiếu các loại Vitamin thiết yếu.
Để nhận biết nám da, chúng ta thường thấy các biểu hiện như:
- Da bắt đầu xỉn màu: Vùng da tại vị trí nám bắt đầu tối màu hơn, nhất là ở vùng gò má, dưới gò má hay mũi. Vị trí này thường xuất hiện nám nhiều nhất, vùng da xỉn màu dần và các sắc tố đậm hơn so với bình thường.
- Da xuất hiện tàn nhang: Ở những người có tàn nhang sẽ có nguy cơ bị nám cao mà không phân biệt tuổi tác. Các vết tàn nhan lâu ngày sẽ dẫn đến nám và việc điều trị giai đoạn này sẽ khó khăn hơn.
- Do có các chấm nâu hay vàng đậm: Các chấm nâu vàng, đậm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và lan rộng khắp gương mặt. Theo thời gian, chúng sẽ tiến triển nhanh hơn và “phá hoại” nhan sắc.
Phòng ngừa nám da, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý với rau quả tươi giàu vitamin A, E, C, Omega-3, hạn chế rượu, thức ăn gây nóng… nhằm đẩy lùi tiến trình lão hóa da, giảm nguy cơ nám da. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h-15h hàng ngày, bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 15-30 phút, che chắn da bằng các trang phục chống nắng bảo vệ da khỏi tác động trực tiếp của tia bức xạ. Nên sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, phù hợp với làn da để da không bị hóa chất độc hại bào mòn khiến da bị nám nhanh. Cần đi khám chuyên khoa khi có dấu hiệu tổn thương da sớm để quá trình chữa trị đem lại hiệu quả cao.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 6/2022