Gián - Loại động vật sống dai nhất thế giới
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/05/2022 04:14
Cỡ chữ
Cách đây 66 triệu năm, khi thiên thạch Chicxulub từ ngoài không gian đâm vào Trái đất. Vụ va chạm đã gây ra một trận động đất khủng khiếp đi kèm với núi lửa phun cách địa điểm va chạm hàng nghìn dặm. Phần lớn các loại động, thực vật trên thế giới đều bị tiêu diệt, và loài khủng long cũng không phải là ngoại lệ, chỉ có một số ít loài là tổ tiên của các loại chim ngày nay sống sót và trong đó có gián.
Làm thế nào để những con gián chỉ dài vài cm có thể sống sót được trong khi rất nhiều loại động vật to lớn, mạnh mẽ, nhanh nhẹn hơn đều đã bị tuyệt chủng? Lý do là bởi gián đã được tạo hóa trao cho rất nhiều đặc điểm để sống sót, đầu tiên là từ đặc điểm cấu tạo cơ thể chúng. Gián có cơ thể phẳng và dẹp, điều này giúp chúng có thể chui rúc vào những nơi chật hẹp như các hang động, những khe đất nhỏ để ấn náu để tránh tác động của Chicxulub.
Vụ va chạm thiên thạch cũng gây ra hàng loạt tác động. Một lượng lớn bụi văng lên khiến bầu trời tối đi, Mặt trời bị che khuất, nhiệt độ giảm xuống và thế giới trở nên lạnh giá. Với luồng ánh sáng ít ỏi đó, chỉ một số ít những loại thực vật may mắn sống sót phải vật lộn để phát triển, thực vật khan hiếm kéo theo những loại động vật ăn thực vật, động vật ăn thịt sụt giảm theo. Càng là những loài có kích thước lớn, thì lượng thức ăn cần thiết càng nhiều và đương nhiên cũng sẽ chết đầu tiên.
Khác với nhiều loại côn trùng khác chỉ thích ăn một loại thức ăn cố định, gián lại là loài ăn tạp. Chúng ăn tất cả mọi thứ. Nhiều loài gián còn nuôi những động vật nguyên sinh và vi khuẩn sống cộng sinh ở ruột, giúp chúng tiêu hóa cellulose, gỗ, bìa cứng, quần áo của con người… Khẩu vị đa dạng, không kén chọn, giúp chúng sống sót qua nhiều thảm họa thiên nhiên khác nhau.
Một đặc điểm hữu ích khác là gián đẻ trứng có hình dạng như những hạt đậu khô. Trứng gián cũng được gọi là oothecae, có nghĩa là “hộp đựng trứng”. Giống như vỏ điện thoại, oothecae khá cứng và bảo vệ những thứ bên trong khỏi các hư hại va đập và các mối đe dọa khác, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán.
Gián có thể sống mà không cần ăn trong suốt một tháng, thậm chí trứng gián có thể sống sót 12 tiếng đồng hồ trong điều kiện -5 đến -8 độ C.
Quay trở lại thời hiện đại, gián là những sinh vật có thể sống ở bất cứ đâu trên Trái đất, ước tính có hơn 4.000 loài gián trên thế giới. Chúng sẽ tiết ra những chất gây dị ứng gây hại cho sức khỏe con người, những chất này khiến một số người lên cơn hen suyễn hoặc sốc phản vệ.
Điều đáng buồn là gián sống rất dai, chúng ký sinh trong nhà của con người, ăn thức ăn thừa, tránh được các loại thiên địch của mình như chim, ếch, thằn lằn và nhện, thậm chí kháng được nhiều loại thuốc diệt côn trùng hóa học. Hơn thế còn sở hữu tốc độ sinh sản theo cấp số nhân cực kỳ khủng khiếp, đến nỗi các nhà khoa học phải nghiên cứu cách triệt sản gián ngay từ gốc.
Tuy vậy, trong môi trường rừng nhiệt đới, chúng vẫn tham gia vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên, trở thành nguồn thức ăn cho các loài động vật khác. Phân của gián chứa nhiều chất dinh dưỡng góp phần vào sự phát triển của nhiều loại thực vật. Nên nếu một ngày nào đó gián bị tuyệt chủng, sẽ gây ra một sự xáo trộn không hề nhỏ đối với hệ sinh thái tự nhiên. Nhưng có vẻ với những đặc điểm tạo hóa ban cho, đây là điều khó có thể xảy ra.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp, 5/2022