Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nhuộm màu thực phẩm của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 10/07/2019 02:22
Cỡ chữ
Từ lâu, các nhà khoa học đã tiến hành chiết tách các chất nhuộm màu thực phẩm từ thực vật. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn dùng nhiều chất màu được tổng hợp bằng con đường hoá học, do thuận tiện trong quá trình sử dụng. Khi chất màu nhuộm công nghiệp được đem vào sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt của nhân dân thì người ta đã phát hiện ra các nhược điểm của những sản phẩm này, vì chúng có thể gây nên các tác dụng phụ như ung thư, rối loạn thần kinh, tiêu hoá hoặc ngộ độc gây tử vong...Vì vậy trong những năm gần đây con người càng thấy được tính ưu việt của các sản phẩm tự nhiên và đã quan tâm nghiên cứu các chất nhuộm màu có nguồn gốc thực vật để sử dụng chúng nhất là trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về cây nhuộm màu thực phẩm hiện nay chỉ tập trung vào việc sử dụng, chưa chú ý đến nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nhuộm màu thực phẩm của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc là vô cùng cần thiết giúp cán bộ giảng dạy trẻ, sinh viên các dân tộc trong công tác học tập, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, khai thác sử dụng một cách hiệu quả nguồn gen này trong công nghệ thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nhuộm màu thực phẩm của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam” trong thời gian từ năm 2012 đến 2015.
Để tài nghiên cứu đã tiến hành:
- Điều tra đánh giá nguồn gen, tình hình khai thác và kiến thức bản địa trong việc sử dụng cây nhuộm màu thực phẩm tại 9 tỉnh nghiên cứu
- Mô tả đặc điểm thực vật học của 34 loại cây nhuộm màu thực phẩm của 9 tỉnh nghiên cứu.
- Đã tập huấn cho 660 người về lưu giữ bảo tồn nguồn gen cây nhuộm màu tại 9 tỉnh nghiên cứu ,
- Tư liệu hóa các cây nhuộm màu thực phẩm của 9 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Danh lục các cây này đã được công bố trên website của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (wwwtuaf.edu.vn).
- Xây dựng vườn tiêu bản bảo tồn 16 loài cây nhuộm màu thực phẩm tại 2 hộ gia đình thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và 3 gia đình thuộc tổ 25, phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề nghị như: Nghiên cứu khả năng tách chiết một số cây nhuộm màu dễ trồng và bộ phận sử dụng là thân lá như Sau sau, Dứa thơm, Gai, Nhung hoa... làm cơ sở cho các nghiên cứu phát triển sản xuất chất nhuộm màu thực phẩm an toàn có nguồn gốc thực vật với quy mô công nghiệp; Nghiên cứu sâu hơn trong việc sử dụng cây cẩm nhuộm màu thực phẩm như phương pháp nhuộm, tỷ lệ phối hợp với chất phụ gia để có nhiều màu sắc khác nhau.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14605/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)