Giun biến đổi gen phát sáng khi phát hiện ô nhiễm không khí trong nhà
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/02/2023 12:10 Cỡ chữ
Mặc dù không khí trong nhà hoặc nơi làm việc của chúng ta xem ra có vẻ ổn, nhưng có thể chứa các hợp chất gây hại bắt nguồn từ các vật liệu như ván dăm và chất liệu làm thảm. Theo một nghiên cứu mới, có thể biết được điều đó nhờ sử dụng những con giun phát sáng nhỏ bé.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Turku ở Phần Lan đã sử dụng hai chủng biến đổi gen của tuyến trùng Caenorhabditis elegans dài 1mm. Do đã được biển đổi gen nên những con giun tròn này trở nên đặc biệt. Khi chúng ngửi hoặc ăn các hợp chất tổng hợp hoặc sinh học độc hại, chúng sẽ phản ứng bằng cách tạo ra protein huỳnh quang xanh lá cây (GFP) trong vòng 24 giờ.
Hàm lượng các hợp chất ô nhiễm càng cao, giun càng sản sinh nhiều protein và do đó chúng phát huỳnh quang mạnh hơn - cường độ huỳnh quang có thể đo lường một cách khách quan bằng kính hiển vi hoặc phép đo quang phổ.
Những loại tuyến trùng nhạy cảm với môi trường này trước đây đã được sử dụng để theo dõi nồng độ ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường ngoài trời. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên thử nghiệm sử dụng chúng để phát hiện các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy giun phát huỳnh quang khi tiếp xúc với các chất có hại như nấm mốc đen thu được từ các tòa nhà bị ẩm ướt, hóa chất tẩy mạnh được sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do hóa chất tạo ra trong thảm nhựa xuống cấp. Ngoài phát ra nhiều protein huỳnh quanh màu xanh lá cây, giun hoạt động cũng ít hơn và một số con thậm chí còn bị chết khi các chất ô nhiễm đó xuất hiện trong không khí.
Päivi Koskinen, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết "Tuyến trùng không thể cho chúng ta biết loại hợp chất độc hại nào hiện diện trong không khí, nhưng đưa ra đánh giá khách quan về các rủi ro sức khỏe liên quan đến không khí trong nhà và về yêu cầu kiểm tra kỹ thuật cẩn thận hơn”.
Báo cáo nghiên cứu gần đây đã được công bố trên tạp chí Pathogens.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/environment/transgenic-nematodes-indoor-air-pollution/, 2/2/2023