Khảo sát, đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng mô hình “Hồ treo vách đá” cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc tại vùng cao khan hiếm nước thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và vùng núi đá Lục Khu, tỉnh Cao Bằng
Cập nhật vào: Thứ tư - 26/06/2019 10:44
Cỡ chữ
Việc quản lý, bảo vệ, sử dụng, hiệu quả, bền vững, gắn với nguồn lực, khai thác công trình theo mô hình “Hồ treo vách đá” cấp nước sạch là rất cần thiết. Thời gian qua công tác này đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, một số công trình đã xuống cấp, hiệu quả sử dụng không đạt yêu cầu so với thiết kế. Đặc biệt là những loại công trình hồ treo, địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, dễ bị sạt lở, lũ cuốn vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, dân cư phân bố thưa thớt, trình độ dân trí thấp… Vì vậy, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường do TS. Lê Văn Căn làm chủ nhiệm, thực hiện đề tài “Khảo sát, đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng mô hình "Hồ treo vách đá" cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc tại vùng cao khan hiếm nước thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và vùng núi đá Lục Khu, tỉnh Cao Bằng” trong hai năm 2016 và 2017. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý và sử dụng mô hình được xây dựng tại Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và vùng núi đá Lục Khu, tỉnh Cao Bằng, đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả, quản lý và sử dụng phát triển bền vững mô hình “Hồ treo vách đá,” ở vùng cao núi đá khan hiếm nước 2 tỉnh Hà Giang và Lục Khu, tỉnh Cao Bằng.
Qua 2 năm (2016-2017) thực hiện, đề tài rút ra một số kết luận như sau:
(1). Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn,tỉnh Hà Giang gồm 04 huyện, 68 xã và 822 thôn với 19 dân tộc, đa số là người Hmông chiếm 70% và vùng núi đá Lục Khu, tỉnh Cao Bằng gồm 12 xã, với 185 thôn thuộc huyện Hà Quảng, huyện Trà Lĩnh ,tỉnh Cao Bằng là vùng núi đá, cần ưu tiên số một phục vụ người DTTS và bảo vệ biên cương tổ quốc
(2 )Với mô hình quản lý: nhà nước đầu tư,cộng đồng quản lý vận hành duy tu, bảo dưỡng và sử dụng mô hình đến nay cho thấy: mô hình phù hợp với các vùng núi đá vôi khan hiếm nước, tận dụng được các địa hình để tạo nên lòng hồ đa dạng như hồ hình vuông, hình chữ nhật, hình lục giác, hình trái tim…Các hồ treo trữ nước sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư vùng cao.
Kèm theo các kết luận là nhiều khuyến nghị như:
Nhà nước, Chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư phát triển công trình cấp nước theo mô hình: “Hồ treo vách đá” theo chương trình của 2 tỉnh Hà Giâng và Cao Bằng đã đề xuất giai đoạn 2016-2020.
Phương pháp tổ chức quản lý, vận hành các công trình phải được thiết lập trước khi xây dựng công trình: Ngay từ khi lập kế hoạch, khảo sát thiết kế và thi công công trình nước sạch nhất thiết phải có sự tham gia của người dân với đủ thành phần (người nghèo, phụ nữ, già làng, trưởng bản, đại diện các hội đoàn thể và người dân sống trong vùng mà dự án ảnh hưởng đến họ v.v…). Đồng thời đã phải bàn bạc thống nhất cách quản lý, vận hành công trình giữa chính quyền và người hưởng lợi. Cần phân cấp, phân quyền, giao cho người dân tự quản hệ thống hồ treo cấp nước sinh hoạt với quy mô phù hợp của họ, dưới hình thức tổ chức nhóm hộ gia đình hoặc hộ gia đình, dưới sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của thôn bản và của cấp xã. Tùy theo đặc điểm văn hoá, phong tục, tập quán nơi cư trú của các dân tộc, người dân cùng với chính quyền xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi sử dụng nguồn nước phục vụ đời sống.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hiểu biết lợi ích về nước sạch, nhất là quản lý và sử dụng các công trình cấp nước hồ treo hiệu quả,bền vững, tránh lãng phí.đảm bảo quy trình, quy phạm. Công tác truyền thông phải đủ mạnh từ tỉnh đến tận các thôn bản, lấy nòng cốt là mạng lưới sẵn có của ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, với sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục, hội phụ nữ và các ban ngành, đoàn thể khác, giúp người dân thay đổi hành vi sử dụng nước và vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14584/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
NASATI