Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhập Bản (VANJ) sẵn sàng góp sức phát triển AI ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 14/05/2019 22:54
Cỡ chữ
Kết thúc chuỗi hoạt động “Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp” do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các tập đoàn VinGroup, FPT, CMC, Tiến Nông tổ chức từ 3-6/5/2018 tại Hà Nội, các nhà khoa học trẻ đã chia sẻ rằng: lần này họ về nước bởi họ vẫn canh cánh trong lòng về lời đề nghị đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển công nghệ AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), phát triển nền tảng khoa học mở cho AI… của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - người đã “đặt hàng” các nhà khoa học trẻ người Việt tài năng ở trong và ngoài nước ngày 20/8/2018 với sự kiện ghi dấu ấn - hơn 100 người Việt trẻ tài năng về nước, thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cũng theo chia sẻ của VanJ, trong tổ chức này có hơn 300 nhà khoa học trẻ đang sinh hoạt trong mạng lưới. Lần này có 22 Giáo sư, tiến sỹ về công nghệ, phần lớn tốt nghiệp và đang công tác tại ĐH Tokyo. Những nhà khoa học đang làm việc và học tập tại Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp trong nghiên cứu, giảng dạy và thương mại hoá, phát triển các sản phẩm của họ ở trong nước như vi mạch, cảm biến, công nghệ lõi phục vụ thành phố thông minh, các ứng dụng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. AI được coi là lĩnh vực công nghệ nền tảng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của đời sống như y tế, giáo dục, sản xuất…. Hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống như giao thông, chăm sóc sức khoẻ, điều khiển ô tô tự lái, nhà thông minh… Trí tuệ nhân tạo được coi là nhân tố nền tảng để các doanh nghiệp chuyển dịch số hoá, tạo ra nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống.
TS. Lê Đức Anh và GS. Tanaka
Tiến sĩ Lê Đức Anh, ĐH Tokyo - người có 13 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã giới thiệu về mạng lưới học thuật của người Việt Nam tại Nhật. Với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc, TS. Lê Đức Anh cho rằng việc nghiên cứu, phát triển AI của các kỹ sư người Việt tại Nhật sẽ có rất nhiều thuận lợi. Họ sẽ có cơ hội được tiếp xúc, làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về AI cũng như cùng nhau trao đổi, nâng cao kiến thức, năng lực về công nghệ của mình. VanJ sẽ là cầu nối để những kỹ sư phần mềm FPT Japan giao lưu, học hỏi về AI với các chuyên gia người Việt tại Nhật Bản cũng như những chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới.
TS. Cao Vũ Dũng
TS. Cao Vũ Dũng, Quản lý và Kỹ sư AI, Skydisc Inc, Nhật Bản chia sẻ về những thành tựu mà AI mang lại trong cuộc sống như: Nhận diện ảnh (Image Classification); Nhận diện giọng nói; Nhận diện khuôn mặt; Phát hiện ung thư; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên. TS. Dũng cho biết Nhật Bản muốn xây một Super smart society (Xã hội đầu tiên 5.0 dẫn đầu thế giới). Tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức đối với họ như: Thiếu lực lượng CNTT: họ cần 550.000 kỹ sư CNTT vào năm 2030. Đây là cơ hội cho các công ty CNTT nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cung cấp nhân lực về AI. Nhật Bản đặt mục tiêu đào tạo 250.000 chuyên gia AI /năm. Mục tiêu chính của Nhật Bản là ứng dụng AI trong y tế, sản xuất và nền tảng di động.
TS. Đào Thanh Bình
Chia sẻ về cơ sở hạ tầng cho AI, Tiến sĩ Đào Thanh Bình, Nhóm Hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc., Nhật Bản cho biết, AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hằng năm. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác.
TS. Nguyễn Kiên
TS. Nguyễn Kiên, ĐH Chiba, Nhật Bản đang nghiên cứu AI cho công nghệ mạng chia sẻ: "Nếu tôi có những chuyên gia để làm về AI cho kết nối mạng thì có thể gặt hái được những dự án quan trọng trong lĩnh vực này". Tại nơi công tác của mình là trường ĐH Chiba, TS. Nguyễn Kiên thường làm những dự án thử nghiệm cho sinh viên thực hành và TS. Nguyễn Kiên rất sẵn sàng cùng các sinh viên của mình giải những bài toán về AI mà các doanh nghiệp như FPT đặt ra. TS Kiên nhấn mạnh thêm rằng hiện nay là cơ hội tốt để có một nguồn nhân lực tốt về AI vì hiện tại ai cũng nói về AI, cái cần ở đây là kỹ sư AI, và cần phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc. Khẳng định xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hay ở Nhật Bản thường đề cập là 5.0, Việt Nam không thể bõ lỡ cơ hội phát triển về AI.
NASATI