Nghiên cứu cơ sở khoa học về văn hóa an ninh hạt nhân và phương pháp đánh giá đối với việc thực hiện văn hóa an ninh tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân
Cập nhật vào: Thứ hai - 15/07/2019 04:00
Cỡ chữ
Ngày nay, công nghệ hạt nhân được ứng dụng có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong sản xuất cũng như trong cuộc sống tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ hạt nhân thì nguy cơ đối với các sự cố an ninh hạt nhân ngày một tăng lên, nhất là trong thời gian qua đặc biệt tăng cao khi chủ nghĩa khủng bố lan rộng trên thế giới. Cùng với sự phát triển của công nghệ hạt nhân, Việt Nam cũng đã bước đầu tiếp cận và triển khai một số hoạt động ban đầu về bảo đảm an ninh cho vật liệu phóng xạ và hạt nhân. Tuy nhiên sự hiểu biết và ý thức của các cơ sở bức xạ, hạt nhân trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh vẫn còn nhiều bất cập, nên trong thời gian vừa qua vẫn xảy ra một số sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ. Các sự cố đã xảy ra cho thấy nhận thức về vấn đề an ninh tại cơ sở vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là văn hóa an ninh hạt nhân của các cơ sở vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, khi các sự cố xảy ra, hoạt động của các cơ quan pháp quy và các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét. Chính vì vậy Thủ tướng đã ra Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Hình Sơ đồ phân tích việc thực hiện văn hóa an ninh tại cơ sở
Từ những phân tích trên cho thấy việc nghiên cứu để xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện văn hóa an ninh và hướng dẫn tự đánh giá văn hóa an ninh tại cơ sở là cần thiết và cần được đầu tư nghiên cứu. Chính vì thế, Cơ quan chủ trì đề tài Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS Bùi Thị Thùy Anh cùng thực hiện đề án nghiên cứu “Nghiên cứu cơ sở khoa học về văn hóa an ninh hạt nhân và phương pháp đánh giá đối với việc thực hiện văn hóa an ninh tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân” là thực sự cần thiết vì nó sẽ góp phần nâng cao kiến thức chung về quản lý an ninh hạt nhân và xây dựng văn hóa an ninh mạnh mẽ và bền vững tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân, tại cơ quan pháp quy và các cơ quan quản lý liên quan tại Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Từ xu hướng quốc tế, nâng cao văn hóa an ninh tại các quốc gia thành viên của IAEA và thực tế của một số quốc gia có kinh nghiệm về văn hóa an ninh cho thấy đối với an ninh hạt nhân hiệu quả, một nền văn hóa an ninh hạt nhân phát triển tốt đã được xác định là yếu tố cơ bản. Do dó, để thực hiện an ninh hạt nhân bền vững tại Việt Nam đòi hỏi phải có đủ thời gian cho việc thể chế của một nền văn hóa an ninh hạt nhân hoạt động. Điều này đòi hỏi một cam kết lâu dài từ tất cả các bên liên quan.
2. Thông qua việc nghiên cứu về cơ sở khoa học đối với các khái niệm cơ bản và các thành tố của văn hóa an ninh hạt nhân và làm thế nào chúng liên quan đến các thỏa thuận và chính sách đối với các khía cạnh khác của an ninh hạt nhân. Kết quả nghiên cứu cung cấp một cái nhìn tổng quan về các thuộc tính của văn hóa an ninh hạt nhân, nhấn mạnh rằng an ninh hạt nhân phụ thuộc chính yếu vào các chủ thể: Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, người quản lý tại cơ sở, các nhân viên và - ở một mức độ nhất định - các thành viên của công chúng. Ngoài ra là các cá nhân trong ảnh hưởng riêng rẽ đối với an ninh hạt nhân; cách họ tương tác với nhau, với quản lý và hệ thống kỹ thuật cũng có một ảnh hưởng.
3. Mô hình văn hóa an ninh hạt nhân và việc thực hiện mô hình văn hóa an ninh hạt nhân theo khuyến cáo của IAEA thiết lập một nền văn hóa an ninh hạt nhân hiệu quả nhằm tới mục tiêu cải thiện hơn nữa hiệu quả của nền an ninh hạt nhân. Mục đích là để cung cấp được sự đảm bảo chắc chắn hơn là toàn bộ chương trình an ninh hạt nhân sẽ thực hiện tốt chức năng của nó trong việc phòng ngừa, phát hiện, trì hoãn và ứng phó với hành vi trộm cắp, phá hoại, truy cập trái phép, chuyển nhượng trái phép hoặc các hành vi nguy hiểm khác liên quan đến sử dụng, bảo quản và vận chuyển chất phóng xạ.
4. Kinh nghiệm của các nước cho thấy nhà nước cần xây dựng một chương trình hành động toàn diện, rõ ràng và cụ thể để tăng cường VHANHN tại các cơ sở hạt nhân cũng như các tổ chức có liên quan là cần thiết để tăng cường VHANHN. Chương trình hành động này cần có sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện không chỉ trong phạm vi quốc gia (giữa cục ATBXHT và các cơ sở, tổ chức liên quan), mà còn trên bình diện quốc tế (giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng như IAEA). Bên cạnh đó là việc thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chương trình với thẩm quyền, năng lực, nhân lực, tài chính thích hợp, cũng như việc xây dựng cơ chế phối hợp với cơ sở là những bước đầu tiên quan trọng cần xem xét để tăng cường VHANHN.
5. Hoạt động tự đánh giá VHANHN của Việt Nam nên sử dụng dự thảo hướng dẫn của IAEA làm tài liệu hướng dẫn chính trong đó xem xét điều chỉnh các câu hỏi khảo sát cho phù hợp với tình hình của Việt Nam. 38
6. Bản hướng dẫn thực hiện và tự đánh giá văn hóa an ninh hạt nhân tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam do Cục ATBXHN xây dựng trên cơ sở sử dụng dự thảo hướng dẫn của IAEA làm tài liệu hướng dẫn chính trong đó xem xét điều chỉnh các câu hỏi khảo sát cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.
7. Sau khi hoàn thiện bản hướng dẫn thực hiện và tự đánh giá văn hóa an ninh hạt nhân tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam và xây dựng phần mềm dùng để quản lý hoạt động an ninh hạt nhân tại Việt Nam sẽ góp phần cập nhật thường xuyên, liên tục hiện trạng thực hiện văn hóa an ninh tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân để thông qua đó có các điều chỉnh cần thiết nhằm tăng cường văn hóa an ninh hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
8. Kết quả đánh giá hiện trạng chung thực hiện văn hóa an ninh tại ba nhóm cơ sở được lựa chọn bao gồm: nhóm các cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ mức an ninh A (nguồn nhóm I), nhóm các cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ mức an ninh B (nguồn nhóm II) và nhóm các cơ sở hạt nhân cho thấy việc thực hiện văn hóa an ninh tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân được khảo sát, điều tra trong thời gian qua tương đối tốt. Đây là kết quả của sự quan tâm của lãnh đạo các cơ sở cũng như ý thức của đội ngũ nhân viên làm việc tại các cơ sở này.
9. Bên cạnh những thành công đã đạt được, việc thực hiện văn hóa an ninh hạt nhân tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân của nước ta trong thời gian qua cũng cho thấy một số mặt tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Các mặt tồn tại đó xuất phát từ những hạn chế nhất định của hệ thống cơ chế, chính sách cũng như xuất phát từ chính bản thân hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Kết quả đánh giá đã cho thấy tại một số các cơ sở hiện vẫn đang thiếu một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh hạt nhân. Do đó trong thời gian tới để nâng cao an toàn, an ninh hạt nhân nói chung cũng như văn hóa an ninh hạt nhân nói riêng rất cần khắc phục triệt để những tồn tại hiện nay.
10. Các giải pháp đề xuất được đưa ra trên cơ sở tham khảo những kinh nghiệm thực hiện văn hóa an ninh tại các quốc gia trên thế giới cũng như hiện trang thực hiện văn hóa an ninh hạt nhân tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân tại nước ta. Các giải pháp này khi được triển khai một cách tích cực, đồng bộ sẽ góp phần nâng cao văn hóa an ninh hạt nhân nói riêng cũng như nâng cao an toàn, an ninh hạt nhân nói chung tại các cơ sở bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu của việc phát triển công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới: an toàn, hiệu quả và thân thiện với con người, với môi trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13810/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)