Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đa lợi ích sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước nội địa ở phía Tây tỉnh Quảng Ninh
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/05/2019 16:50
Cỡ chữ
Trên thế giới, đất ngập nước (ĐNN) là hệ sinh thái rất đa dạng phong phú cung cấp tài nguyên thiên nhiên và có chức năng quan trọng điều hòa môi trường, cung cấp các dịch vụ văn hóa du lịch cũng như nhiều lợi ích phi vật chất khác. Với diện tích vào khoảng 7-9 triệu km2, chiếm khoảng 4-6% bề mặt đất, đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với đời sống nhân loại, bao gồm khoảng 45% giá trị tự nhiên của các hệ sinh thái (Mitsch và Gosselink, 2000; Costanza et al., 1997). Ở Việt Nam, các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, với diện tích khoảng 10 triệu ha, phân bố trên tất cả 8 vùng sinh thái. Trong đó hai vùng là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng có diện tích ĐNN lớn nhất (Đặng Huy Huỳnh và Nguyễn Minh Đức, 2012).
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển với các hệ sinh thái ĐNN rất đa dạng và phong phú. Đây là nguồn sinh kế chủ yếu của phần lớn người dân Quảng Ninh, đặc biệt là các cộng đồng dân cư nông thôn. Quảng Ninh không có hệ thống sông lớn, nhưng nhiều sông nhỏ và dòng chảy phức tạp. Với hệ thống sông, hồ dày đặc và đường bờ biển kéo dài, các hệ sinh thái ĐNN Quảng Ninh đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số sông chính ở Quảng Ninh bao gồm: Sông Đá Bạc, sông Ka Long (còn gọi là sông Bắc Luân), sông Tiên Yên, sông Ba Chẽ. Ngoài ra Quảng Ninh còn có nhiều sông nhỏ chiều dài các sông từ 13 - 15 km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300 km2, như sông Tràng Vinh (sông Tín Coóng), sông Hà Cối, sông Đầm Hà, sông Tài Chi, sông Đồng Cái Xương, sông Hà Thanh, sông Đồng Mỏ, sông Mông Dương, sông Diễn Vọng, sông Mằn, Sông Trới và Sông Míp. Quảng Ninh cũng có nhiều hồ ao với diện tích khá lớn có vai trò quan trọng cung cấp nước cho sản xuất và đời sống dân sinh, như hồ Bến Châu, hồ Đồng Ho, hồ Yên Lập, hồ Tràng Vinh, hồ Cao Vân, hồ Đầm Hà Động phân bố rải rác khắp các vùng trong tỉnh. Bên cạnh hệ thống sông ngòi, hồ ao, Quảng Ninh cũng có diện tích đất ngập nước đáng kể được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp với diện tích 445.226 ha, trong đó chủ yếu là đất sản xuất lúa nước. Với sự đa dạng và tính chất phức tạp của các loại đất ngập nước cùng các giá trị vốn có của nó, đặc biệt là sự đa dạng sinh học. Do vậy nghiên cứu về ĐDSH ĐNN nội địa ở Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng trong quản lý sử dụng hợp bền vững theo hướng sử dụng đa mục đích và bảo vệ môi trường.
Nhằm đánh giá thực trạng về các vùng đất ngập nước nội địa ở tỉnh Quảng Ninh và đề xuất các giải pháp phục vụ công tác quản lý và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng này ở Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu do PGS.TS.Nguyễn Xuân Cự, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đa lợi ích sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước nội địa ở phía Tây tỉnh Quảng Ninh”.
Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ trong đề cương với kết quả tốt. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Hệ thống ĐNN nội địa ở Quảng Ninh là khá đa dạng và phong phú. Đây là nguồn sinh kế cơ bản của hầu hết các cộng đồng dân cư nông nghiệp nông thôn ở Quảng Ninh. Các HST ĐNN nội địa ở Quảng Ninh có sự đa dạng sinh học cao, có vai trò to lớn trong việc điều tiết lũ lụt, cung cấp nước cho các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư tập trung ở Quảng Ninh.
- Tiềm năng khai thác các giá trị dịch vụ HST ĐNN nội địa ở Quảng Ninh là rất lớn. Chúng không chỉ cung cấp nguồn nước, đất cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, điều hòa khí hậu,… và phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
- Tuy nhiên do điệu kiện địa hình chia cắt, các vùng ĐNN nội địa thường có quy mô diện tích nhỏ. Do vậy việc khai thác, sử dụng tài nguyên ĐNN cũng như bảo vệ chúng cần phải gắn liền với từng cộng đồng dân cư địa phương. Cần có các giải pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng cho sự phát triển bền vững các vùng ĐNN nội địa.
- Hiện nay, nhiều vùng ĐNN nội địa đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng do tác động của quá trình khai thác sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên ĐNN, khai thác khoáng sản và các tác động xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy cần có các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm các vùng ĐNN nội địa; làm tốt công tác quản lý, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị các vùng ĐNN nội địa cho sự phát triển bền vững ở địa phương.
- Đề tài đã đề xuất các hướng khai thác sử dụng đa mục đích một số vùng ĐNN của 4 hồ lớn ở Quảng Ninh; bao gồm: Hồ Yên Lập, hồ Tràng Vinh, hồ Đầm Hà Động và hồ Bến Châu.
- Xây dựng các bản đồ khu vực 4 hồ lớn: Yên Lập, Tràng Vinh, Đầm Hà Động và hồ Bến Châu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14768/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
thế giới, phong phú, tài nguyên, thiên nhiên, quan trọng, môi trường, văn hóa, du lịch, lợi ích, vật chất