Nghiên cứu giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao Karst Đông Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/06/2019 15:14
Cỡ chữ
Vùng núi cao karst Đông Bắc là khu vực phân bố các thành tạo cacbonat có khả năng thấm nước tốt, tuy nhiên do có địa hình cao, phân cắt sâu làm cho khả năng tàng trữ nước kém do bị thoát rất nhanh theo các hệ thống karst ra mạng lưới xâm thực địa phương tạo nên sự khan hiếm nước rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư thích đáng để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân ở các vùng núi cao thông qua nhiều Chương trình, Dự án khác nhau do nhiều Bộ, Ngành khác nhau và các tổ chức quốc tế thực hiện. Nhiều giải pháp khai thác, sử dụng nước như xây bể, lu chứa nước, hoặc xây dựng nhiều hồ treo chứa nước, xây dựng các công trình nước tự chảy, khảo sát khoan thăm dò khai thác nước dưới đất... Đến nay, các công trình đó đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô hạn. Các hồ treo, bể chứa, công trình cấp nước hiện đã xuống cấp hoặc bị cạn kiệt do điều kiện thi công, thời tiết, khí hậu bất thường không đảm bảo cung cấp nước cho đời sống nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy vấn đề ở đây là giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước nào là hợp lý, bền vững để tận dụng tối đa và phát triển bền vững tài nguyên nước trong khu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, và sau nữa là nước cho hoạt động sản xuất lâu dài cho vùng cao núi cao karst Đông Bắc Việt Nam. Chính vì vậy, để có cơ sở định hướng các giải pháp khai thác khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng tại các vùng núi cao karst Đông Bắc, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia do ThS. Phạm Bá Quyền làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao Karst Đông Bắc Việt Nam. Áp dụng thử nghiệm tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn” trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2017.
Đề tài đạt được mục tiêu nghiên cứu là:
- Xác lập được các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam;
- Đề xuất mô hình thích hợp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại cao nguyên đá Đồng Văn.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Đã hệ thống hóa được các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước trên thế giới và trong nước từ đó luận chứng đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước phù hợp với điều kiện thực tiễn của nùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam.
- Đã xác định được hiện trạng tài nguyên nước vùng núi cao karst Đông Bắc.
- Đã đưa ra được cơ sở khoa học và xác lập được giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước cho 213 xã, thị trấn thuộc 5 tỉnh trong vùng núi cao karst Đông Bắc.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn mô hình khai thác sử dụng nguồn nước tại vùng cao nguyên đá đã đánh giá được mô hình khai thác nguồn nước bằng giếng khoan tại thị trấn Đồng Văn là rất bền vững. Ngoài ra, đề tài đã đề xuất được mô hình khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại 21 giếng khoan và 189 mạch lộ có thể đưa vào khai thác, sử dụng ngay tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14588/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)