Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị thử công suất động cơ điện của xe đạp điện, xe máy điện
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/05/2019 00:41
Cỡ chữ
Xe đạp điện, xe gắn máy điện là phương tiện giao thông phổ biến hiện nay với tốc độ phát triển rất nhanh. Động cơ điện được coi là bộ phận quan trọng nhất trên xe nên phải được đảm bảo về mặt an toàn kỹ thuật. Vì vậy bắt buộc phải thử nghiệm trước khi lắp lên xe. Trong đó, thử nghiệm đo công suất động cơ điện của xe đạp, xe máy điện là một trong những hạng mục thử nghiệm quan trọng. Hiện nay trên thế giới, thiết bị thử nghiệm công suất động cơ xe đạp, xe máy điện đã được nghiên cứu chế tạo và bán ra thị trường, tuy nhiên giá thành rất cao trong khi ở Việt Nam chưa có một cơ quan, đơn vị nào nghiên cứu chế tạo được thiết bị với đầy đủ tính năng đáp ứng QCVN 75:2014/BGTVT và QCVN 90:2015/BGTVT.
Với mong muốn mở rộng lĩnh vực thử nghiệm, nhóm nghiên cứu do TS. Đăng Việt Hà, Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm phát triển công tác thử nghiệm cho một số linh kiện quan trọng trên xe đạp điện, xe gắn máy điện như: đèn chiếu sáng, khung, vành, ắc quy… Năm 2016, nhóm nghiên cứu đã được Bộ Giao thông Vận tải giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị thử công suất động cơ điện của xe đạp điện, xe máy điện”. Mục đích của đề tài là mở rộng lĩnh vực thử nghiệm, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng linh kiện và giảm chi phí đầu tư mua thiết bị của nước ngoài.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Nghiên cứu một cách tổng quát về thiết bị thử công suất động cơ điện của xe đạp, xe máy điện;
2. Tìm hiểu một cách hệ thống các tiêu chuẩn, tài liệu quốc tế và Việt Nam về thiết bị thử công suất động cơ điện và ứng dụng của nó;
3. Nghiên cứu lựa chọn phương án, thiết kế, chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh 01 thiết bị phù hợp yêu cầu của thuyết minh đề cương và đáp ứng được các quy chuẩn thử nghiệm QCVN 75:2014/BGTVT và QCVN 90:2015/BGTVT;
4. Ứng dụng thiết bị đã chế tạo để thử nghiệm trên 10 mẫu động cơ điện của xe đạp, xe máy điện theo QCVN 75:2014/BGTVT và QCVN 90:2015/BGTVT;
5. Thiết bị đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiệu chuẩn theo giấy chứng nhận số FC.23.17 cấp ngày 17/11/2017.
Về ý nghĩa thực tiễn, thiết bị có thể sử dụng phục vụ công tác thử nghiệm linh kiện xe cơ giới; sản xuất lắp ráp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Ngoài ra thiết bị còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển các loại động cơ điện của các doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý chất lượng phương tiện. Hướng nghiên cứu tiếp tục của đề tài sẽ là tự động hóa hoàn toàn quá trình thử nghiệm công suất động cơ xe đạp, xe máy điện.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14650/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
xe đạp, xe gắn máy, phương tiện, giao thông, phổ biến, hiện nay, tốc độ, phát triển