Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao vùng đồng bằng sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ bảy - 04/05/2019 09:23
Cỡ chữ
Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, đặc biệt là sản xuất lúa và cây vụ Đông. Vùng ĐBSH hiện có 11 tỉnh với diện tích tự nhiên là 2,06 triệu ha và gần 20 triệu dân, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng an ninh của cả nước. Hiện nay, vùng Đồng bằng Sông Hồng được xem là vùng có hệ số sử dụng đất nông nghiệp cao nhất cả nước. Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh tạo nên áp lực lớn về dân số cho vùng, mật độ dân số là 1.225 người/km2, cao gấp 4,8 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước. Nhiều cơ cấu cây trồng tỏ ra có hiệu quả kinh tế ở diện rộng với vai trò quan trọng của cây vụ đông trong cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa (2 lúa-đậu tương đông, 2 lúa-khoai tây đông, 2 lúa-ngô đông, 2 lúa-rau, màu đông....). Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở các địa phương cần được bổ sung các TBKT mới về giống, biện pháp kỹ thuật và cơ cấu cây trồng hợp lý với điều kiện sản xuất và sinh thái cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong những năm gần đây nhiều kết quả nghiên cứu và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên việc phân tích đánh giá cụ thể các kết quả này để trở thành hệ thống lý luận để phục vụ việc xây dựng nông thôn mới cho vùng chưa được hoàn thiện. Chưa xây dựng được hệ thống các giải pháp KHCN đồng bộ (cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa trong sản xuất, tổ chức nông dân, liên kết thị trường...) áp dụng cho toàn bộ cơ cấu cây trồng trong 1 năm để thúc đẩy và phát huy hết tiềm năng hiệu quả kinh tế- xã hội các hệ thống cây trồng của vùng. Vấn đề nghiên cứu về chuỗi giá trị cho 1 số cây trồng hàng hóa chủ lực chưa được tập trung, vì vậy nhiều mô hình cho năng suất cây trồng cao nhưng chưa cho hiệu quả kinh tế cao. Chính vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu do TS. Lê Quốc Thanh Thời, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao vùng đồng bằng sông Hồng” nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu thực tế đang đặt ra.
Sau một thời gian triển khai gian thực hiện (2013 - 2016), nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Đã thu thập, hồi cứu, khảo sát bổ sung các dữ liệu tự nhiên, xã hội, các kế hoạch, quy hoạch phát triển vùng ĐBSH. Phân vùng nghiên cứu theo đặc điểm địa hình, vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội và hình thái sản xuất vùng ĐBSH. Đánh giá, làm rõ các nghiên cứu về hệ thống cây trồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên thế giới và ở trong nước.
2. Đánh giá được hiện trạng sản xuất và cơ cấu cây trồng của vùng ĐBSH và đề xuất các giải pháp KHCN phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng: lựa chọn giống phù hợp, hoàn thiện kỹ thuật canh tác, bố trí mùa vụ, xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý có hiệu quả kinh tế và bền vững. Đánh giá được các cơ cấu cây trồng hiệu quả, cần mở rộng cho ĐBSH. Đánh giá được thuận lợi và hạn chế của vùng ĐBSH trong việc sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phục vụ xây dựng NTM.
3. Về giải pháp KHCN cho vùng ĐBSH chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng:
* Về giống cây trồng: Đề tài đã lựa chọn được 16 giống cây trồng có năng suất cao, ngắn ngày, chống chịu và có chất lượng tốt, phù hợp cho từng cơ cấu của các tiểu vùng sinh thái và hoàn thiện quy trình thâm canh cho từng giống gồm:
+ 3 giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng: HT9, ĐS3 và J01 có TGST vụ mùa 100-108 ngày, năng suất : 55-65 tạ/ha, góp phần tăng vụ và giải quyết vấn đề thời vụ cho sản xuất cây vụ đông.
+ 3 giống ngô, năng suất cao, chất lượng: Đường lai 20, HN88, NK4300 phù hợp với vùng sản xuất hàng hóa ven đô, vùng thâm canh ngô hè và ngô đông.
+ 2 giống lạc, năng suất cao, chất lượng: L23 và L26, đáp ứng với chân đất 1 lúa 2 màu và chân đất chuyên màu.
+ 2 giống đậu tương, năng suất cao, chất lượng: ĐVN14, Đ2101 góp phần bổ sung vào cơ cấu giống và mở rộng diện tích đậu tương đông.
+ 2 giống khoai tây, năng suất cao, chất lượng: Diamant và Solara.
+ 2 giống bí xanh, năng suất cao, chất lượng: Tre việt, bí xanh số 1.
+ 2 giống rau, năng suất cao, chất lượng: bắp cải và súp lơ.
* Về kỹ thuật thâm canh: Xây dựng được 7 gói quy trình kỹ thuật (QTKT) canh tác cho 7 công thức luân canh cây trồng (CTLC) trên 3 chân đất chính của vùng ĐBSH đạt hiệu quả kinh tế cao:
(1) Trên chân đất 2 lúa - 1 màu:
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lúa Xuân - lúa Mùa - đậu tương Đông”
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lúa Xuân - lúa Mùa - khoai tây Đông”
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lúa Xuân - lúa Mùa - bí xanh Đông”
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lúa Xuân - lúa chét - bí xanh Thu Đông”
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lúa Xuân - lúa chét - ngô Thu Đông”
(2) Trên chân đất 1 lúa - 2 màu:
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lạc Xuân - lúa Mùa - Khoai tây Đông”
(3) Trên chân đất chuyên màu:
+ QTKT áp dụng cho CTLC “lạc Xuân - ngô Hè Thu - cải bắp Đông
- Đánh giá và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất lúa chét ở Hà Nội và Nam Định, giúp giải quyết được vấn đề thời vụ của cây vụ đông ưa ấm ở ĐBSH (Ngô, đậu tương, rau màu). Chiều cao gốc cắt để chét có mối quan hệ tương quan nghịch với TGST của lúa chét và chiều cao cây.
- Xác định được thành phần của giá thể làm bầu cải tiến gieo ngô ở các tỉnh trong vùng, góp phần tăng hiệu quả và nhân rộng quá trình cơ giới hóa.
4. Xây dựng được 53 ha cây trồng các loại trên cho 7 công thức luân canh trên 3 chân đất tại 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nội và Nam Định. Trong đó: Lúa 29 ha, Lạc: 6 ha, Ngô: 5 ha, Bí xanh: 5 ha, Khoai tây: 3 ha, Đậu tương: 3 ha, rau bắp cải: 2 ha. Các công thức luân canh cây trồng trong mô hình tại các tỉnh đều cho năng suất cao hơn so với sản xuất đại trà và cho hiệu quả kinh tế vượt hơn so với sản xuất đại trà từ 21.150.000 đ/ha đến 39.954.000 đ/ha, vượt sản xuất đại trà từ 35,2 - 126,2%. Các công thức luân canh có sử dụng giống mới cho lợi nhuận cao, dễ áp dụng và người dân chấp nhận nhân rộng: Lúa xuân (BT7) - lúa chét (BT7) - bí xanh đông (bí xanh số 1); Lúa xuân (ĐS3) - lúa mùa (HT9) - bí xanh đông (bí xanh số 1); Lúa xuân (ĐS3) - lúa mùa (HT9) - khoai tây đông (Diamant); Lạc xuân (L26) - ngô hè thu (NK4300) - bắp cải đông (bắp cải kk cross); Lạc xuân (L23) - lúa mùa (HT9) - khoai tây đông (Solara); Lúa xuân (BT7) - lúa chét (BT7) - ngô đông sớm (HN88).
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cho phép ứng dụng, nhân rộng kết quả một số mô hình hiểu quả kinh tế cao ra sản xuất thông qua các Dự án phát triển nhằm đóng góp tích cực hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới ở các giai đoạn tiếp theo của Chương trình.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14769/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)