Người Việt đầu tiên nhận giải của Hiệp hội Toán học châu Âu
Cập nhật vào: Thứ ba - 12/05/2020 12:24 Cỡ chữ
GS Phan Thành Nam, Khoa Toán ĐH Ludwig-Maximlians (Munich, Đức), vừa có tên trong danh sách 10 nhà toán học trẻ xuất sắc nhận giải do Hiệp hội Toán học châu Âu (EMS) trao 4 năm một lần.
GS Phan Thành Nam là người Việt đầu tiên nhận giải EMS. Ảnh: EMS Prize winner
Cứ bốn năm một lần, trong Đại hội Toán học châu Âu, Hiệp hội Toán học châu Âu trao giải thưởng EMS, giải thưởng Felix Klein và giải thưởng Otto Neugebauer.
Trong đó, giải thưởng EMS được trao cho 10 nhà nghiên cứu trẻ không quá 35 tuổi tại thời điểm đề cử, có quốc tịch châu Âu hoặc làm việc ở châu Âu, có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực toán học.
Góp mặt trong danh sách vừa được EMS công bố lần này có GS Phan Thành Nam, Khoa Toán thuộc ĐH Ludwig-Maximlians (Munich, Đức). Anh là người Việt đầu tiên nhận giải EMS.
Theo Hiệp hội Toán học châu Âu, GS Phan Thành Nam là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giải tích và vật lý toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số.
GS Phan Thành Nam sinh năm 1985, quê Phú Yên, là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. Anh từng là Trợ lý Giáo sư tại Đại học Masaryk (Brno, Cộng hòa Séc) và là học giả IST tại Viện Khoa học và Công nghệ Áo. Anh đã hai lần được mời làm diễn giả tại Hội nghị quốc tế Vật lý toán học (ICMP). Năm 2018, Liên đoàn quốc tế Vật lý lý thuyết và ứng dụng (IUPAP) đã trao giải nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán cho GS Phan Thành Nam.
Luận án tiến sĩ của anh trình bày những nghiên cứu cơ bản về sự ion hóa tối đa của các nguyên tử. Những đóng góp quan trọng khác của anh bao gồm chứng minh giả thuyết ion hóa trong lý thuyết Thomas-Fermi-Dirac-von Weizsäcker (hợp tác với Rupert Frank và Hanne Van Den Bosch), đưa ra một cách tiếp cận mới về độ xấp xỉ trong trường trung bình của khí Bose (hợp tác với Mathieu Lewin và Nicolas Rougerie), và chứng minh quang phổ kích thích trong lý thuyết của Bogoliubov (hợp tác với Mathieu Lewin, Sylvia Serfaty và Jan Philip Solovej).
Đến nay, GS Phan Thành Nam đã có 42 bài báo được công bố trên nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới và được trích dẫn 914 lần.
Ngoài GS Phan Thành Nam, năm nay giải thưởng EMS còn được trao cho Karim Adiprasito (Đại học Hebrew, Jerusalem / Đại học Copenhagen), Ana Caraiani (Imperial College London), Alexander Efimov (Viện Toán Steklov, Moscow), Simion Filip (Đại học Chicago), Aleksandr Logunov (Đại học Princeton), Kaisa Matomäki (Đại học Turku), Joaquim Serra (Viện Công nghệ ETH, Zurich, Thụy Sĩ), Jack Thorne (Đại học Cambridge), Maryna Viazovska (Viện Công nghệ EPFL, Lausanne, Thụy Sĩ).
Bên cạnh giải thưởng EMS, Hiệp hội Toán học châu Âu còn công bố giải thưởng Felix Klein và giải thưởng Otto Neugebauer.
Trong đó, giải thưởng Felix Klein được trao cho một cá nhân, hoặc một nhóm tối đa ba nhà khoa học dưới 38 tuổi, đưa ra được một giải pháp xuất sắc nhằm giải quyết các khó khăn của ngành công nghiệp hiện nay. Người chiến thắng năm nay là GS Arnulf Jentzen, Khoa Toán và Khoa học máy tính ĐH Münster (Đức), chuyên nghiên cứu về các thuật toán dựa trên học sâu (deep learning) cho các bài toán xấp xỉ đa chiều và các loại phương trình vi phân khác nhau.
Còn giải Otto Neugebauer được trao cho “những công trình mang tính nền tảng và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử toán học, giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của toán học hoặc một chủ đề toán học cụ thể trong bất kỳ thời kỳ nào và ở bất kỳ khu vực địa lý nào”. Người nhận giải năm nay là GS Karine Chemla (ĐH Paris và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp), chuyên nghiên cứu lịch sử toán học Trung Quốc cổ đại, hình học ở Pháp vào nửa đầu thế kỷ 19 và lý thuyết về lịch sử toán học, tập trung vào mối quan hệ giữa toán học và các nền văn hóa liên quan.
Theo Báo KH&PT