Tách keo dán công nghiệp bằng từ trường
Cập nhật vào: Thứ sáu - 08/11/2019 09:00
Cỡ chữ
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Sussex đã tạo ra được loại keo không dính khi đặt trong từ trường, nghĩa là các sản phẩm đáng lẽ được đưa đến bãi chôn lấp, giờ có thể được tháo dỡ và tái chế vào cuối vòng đời.
Hiện nay, các mặt hàng như điện thoại di động, lò vi sóng và chắn bùn ô tô được lắp ráp bằng chất keo. Đó là cách nhanh chóng và tương đối rẻ để chế tạo các sản phẩm nhưng do hạn chế trong việc tháo dỡ các vật liệu đa dạng cho những phương pháp tái chế khác nhau, nên hầu hết các sản phẩm này sẽ được chôn lấp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Sussex đã tìm ra giải pháp.
Trong một bài báo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Polymer của châu Âu, các nhà khoa học đã mô tả loại keo mới chứa các hạt kim loại nhỏ. Khi đi ngang qua một trường điện từ xoay chiều, keo tan và các sản phẩm tách nhau ra. Keo có thể sử dụng cho nhựa, gỗ, thủy tinh và kim loại và về độ bền, có thể sánh với các loại keo công nghiệp hiện nay.
Barnaby Greenland, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Chỉ trong 30 giây, chúng tôi có thể tách rời các vật phẩm bằng từ trường tương đối yếu. Một nguồn năng lượng được kết nối với cuộn cảm từ, tạo ra từ trường điện sản sinh nhiệt trong các hạt kim loại bên trong keo và làm tan chảy nó một cách hiệu quả để các vật liệu khác nhau trước đó gắn kết, nay được tách ra. Có ít dư lượng keo còn sót lại, dù đây sẽ không thành vấn đề đối với các vật dụng bằng kim loại bị nung chảy để tái chế. Sử dụng các mức từ trường cụ thể để làm nóng cũng rất an toàn. Năng lượng chỉ làm nóng các đốm kim loại trong keo, vì vậy chúng tôi có thể đặt tay lên và hoàn toàn không cảm thấy nóng".
Về nguyên tắc, công thức có thể được áp dụng cho bất kỳ chất keo nhiệt nào và sau này, sử dụng cho ngành công nghiệp tương đối dễ dàng. Nhóm nghiên cứu cũng đã chứng minh kỹ thuật làm nóng này có thể được sử dụng để gắn các vật dụng lại với nhau. Quy trình này sẽ được nghiên cứu sâu hơn.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2019-11-scientists-industrial-strength-adhesive-unstuck-magnetic.html, 4/11/2019