Tọa đàm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế
Cập nhật vào: Thứ năm - 24/09/2020 10:40 Cỡ chữ
Ngày 23/9/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến Tọa đàm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Tham gia buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; ông Tom Wood, Giám đốc chương trình Aus4Innovation, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia KC 4.0 cùng đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp... Ngoài đầu cầu tại Bộ Khoa học và Công nghệ, sự kiện còn kết nối các chuyên gia tại Australia. Phát biểu khai mạc sự kiện, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá AI đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" ở các bệnh viện, tổ chức y tế. Với sự hỗ trợ của công nghệ, máy tính đã giúp các bác sĩ thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn. Riêng với sự kiện này, Thứ trưởng coi đây là sự mở đầu, thu hút sự quan tâm của những người làm công nghệ thông tin với y tế và ngược lại. Các hoạt động trong chuỗi sự kiện này sẽ tập trung vào hỗ trợ các nhà khoa học ở Việt Nam, Australia và tạo điều kiện hình thành nhiều dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Giang Huy.
Ở đầu cầu Australia, Tiến sỹ David Hansen, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử - CSIRO chia sẻ, việc ứng dụng y tế số giúp thúc đẩy dịch vụ, chất lượng chăm sóc sức khỏe. Ông cho biết, tại Australia, AI trong y tế được triển khai theo ba hướng nghiên cứu lớn, gồm nghiên cứu lâm sàng kinh điển dựa trên kiểu gene, xử lý dữ liệu y tế về những báo cáo về hình ảnh lâm sàng và tăng cường khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị bệnh nan y. Bắt đầu từ nghiên cứu tế bào cơ bản đến nghiên cứu liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, trí tuệ nhân tạo và học máy có thể hỗ trợ công cụ phân tích dữ liệu thông minh. Hệ thống sẽ gửi hình ảnh lâm sàng cho bác sĩ giúp bác sĩ có những chẩn đoán nhanh chóng, thứ hai AI giúp hệ gene, sử dụng thuật toán để thấy được diễn biến mô hình bệnh, chỉ thị sinh học, các thông tin trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, nghiên cứu để phân tích hình ảnh trên não bộ. Các chuyên gia nước này cũng ứng dụng AI giúp xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho các cơ sở dữ liệu về ung thư. Tức là khi phòng xét nghiệm về bệnh lý đưa ra các thông báo, cơ sở dữ liệu về ung thư phân loại và mã hóa thủ công các ca ung thư. AI giúp phân loại mô bệnh học, vị trí khối tiên phát, kích cỡ khối u và đưa ra thông tin giai đoạn ung thư.
Các đại biểu tham dự tọa đàm tại đầu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh Giang Huy
PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia là người có nhiều năm nghiên cứu, hoạt động về y tế đã chia sẻ những lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ mới vào chẩn đoán, điều trị bệnh. Trong phần trình bày về "Tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyên ngành lao và bệnh phổi", ông Nhung đã nói về hành trình 4 năm các bác sĩ và chuyên gia của Bệnh viên Phổi trung ương nghiên cứu, ứng dụng AI vào khám chữa bệnh. Theo ông Nhung, bệnh lao và phổi nói chung xuất phát từ việc môi trường sống ô nhiễm. Đây cũng là hai trong nhiều bệnh phổ biển hàng đầu hiện nay. Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng, trong khi năng lực khám chữa của các bệnh viện không tương xứng. Việc áp dụng công nghệ sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán, giảm khối lượng công việc của bác sĩ và tăng năng lực khám chữa bệnh. Từ năm 2016, bệnh viện Phổi trung ương đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển AI với mục tiêu tận dụng tốt những lợi thế của công nghệ này. Ông Nhung lấy ví dụ về ứng dụng đọc phim bằng AI hay xe chụp X - quang di dộng để chủ động phát hiện bệnh lao sớm trong cộng đồng. "Công nghệ sẽ hình ảnh hoá những bất thường dù nhỏ nhất, giúp bác sĩ chuẩn đoán chính xác, quyết định có đưa bệnh nhân này vào diện nguy cơ cần khám kỹ hơn hay không", bác sĩ Nguyễn Viết Nhung nói. Ngoài ra, để hỗ trợ cho người bệnh điều trị dài hạn trên 6 tháng, các chuyên gia của bệnh viện đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại có tên Dr. Minh giúp cả người bệnh và bác sĩ theo dõi tiền sử khám chữa bệnh. "Với AI, chúng tôi đã phát hiện được những bệnh lý bất thường dù rất khó về đường thở, máu. Công nghệ 4.0 nếu phát triển đầy đủ có thể giúp cho VIệt Nam tiến tới chấm dứt bệnh lao", PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung nói.
Trong bài trình bày tại tọa đàm Tiến sĩ Bùi Đức Toàn, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao về AI nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại VinAI Research có bài chia sẻ về các ứng dụng công nghệ này trong phát hiện và chuẩn đoán bệnh sớm. TS Toàn cho biết, ba bài toán mà Vin AI tiến hành nghiên cứu và xử lý gồm phân tích não bộ trẻ sơ sinh, biến đổi các loại hình ảnh hỗ trợ phát hiện khối u và nâng cao chất lượng hình ảnh cầm tay để cung cấp cho bác sĩ. Trong phân tích não trẻ em, TS Toàn cho biết với não trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi là khó khăn nhất do độ chênh lệch giữa WM và GM thấp. Vin AI đề xuất mang AI phương pháp CycleGAN để chuyển thông tin giữa các thời điểm, cho phép bổ trợ thông tin, dữ liệu. Ngoài ra, AI giúp khôi phục ảnh bị thiếu, biến đổi ảnh T1 sang T2 và ngược lại để cung cấp đa dạng thông tin cho bác sĩ, để tăng tính đa dạng của thông tin chẩn đoán nhiều bệnh. Với các ảnh y tế, AI có thể hỗ trợ nâng cao chất lượng ảnh bằng phương pháp biến đổi, khôi phục lại thông tin trong ảnh đó. Theo ông Toàn, hiện nay, đa số các cơ cở y tế sử dụng hình ảnh Xray từ thiết bị cầm tay CXR (được sử dụng để phát hiện Covid-19 trong giai đoạn sớm), mặc dù giá thành rẻ nhưng cho chất lượng thấp, bác sĩ gây khó khăn trong chẩn đoán bệnh. Vì vậy, Vin AI đưa ra một phương pháp nâng cao hình ảnh Xray từ ảnh thu được trên thiết bị cầm tay CXR, với ưu điểm cho hình ảnh chất lượng, phân giải cao.
Ở phần hai của tọa đàm các chuyên gia thảo luận xoay quanh chủ đề nghiên cứu và ứng dụng AI gợi mở ra nhiều thông tin hấp dẫn về tính hiệu quả và khả thi khi ứng dụng AI trong y tế.
Tham gia phần thảo luận với vai trò từng góp mặt nhiều dự án ứng dụng Tiến sĩ David Hansen, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử - CSIRO cho biết, để một dự án AI thành công, người nghiên cứu cần tìm ra vấn đề cần giải quyết. Ngành y tế có những đặc thù về nhân lực, đặc biệt là thiếu chuyên gia công nghệ nên sẽ gặp khó khăn về quy mô dự án cũng như tiến độ. Tuy nhiên theo Tiến sĩ David Hansen, ngành y tế lại có những bài toán rất nhỏ, cụ thể nên quá trình ứng dụng AI phần nào có thể rút ngắn thời gian hơn những linh vực khác. "Hiện nay, Việt Nam có một nền tảng về công nghệ tốt. Nhiều chuyên gia người Việt hiện làm việc ở những trung tâm AI hàng đầu thế giới. Điều kiện này sẽ thúc đẩy các sản phẩm chứa AI tăng nhanh hơn trong thời gian tới", ông David Hansen nói.
Tham gia phần thảo luận TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhiều hoạt động. "Chúng tôi đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khoẻ người dân như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bệnh án điện tử. Viện đang thí điểm nhiều sản phẩm AI trong điều trị bệnh ở các bệnh viện như hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phú Thọ...". Gần đây, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cũng đưa AI vào quá trình đào tạo năng lực cho bác sĩ chuẩn đoán hình ở 8 bệnh viện khắp cả nước. Theo bà Oanh, trí tuệ nhân tạo có vùng áp dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khoẻ người dân. Trong đó gồm: theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh; phát hiện sớm những bệnh thời đại như ung thư, tim mạch giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống; giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc; theo dõi diễn biến bệnh.
NASATI
hà nội, tọa đàm, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, trí tuệ, nhân tạo, y tế, tham gia, thứ trưởng, khoa học, công nghệ, giám đốc, chương trình, sứ quán, thanh thủy, chủ nhiệm, quốc gia, đại diện, cơ quan, quản lý