Trang phục bảo hộ chống nóng cho nhân viên y tế
Cập nhật vào: Thứ tư - 02/06/2021 23:43 Cỡ chữ
Theo TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết đã có giải pháp trang phục bảo hộ chống nóng cho nhân viên y tế để chống dịch.
TS. Doãn Ngọc Hải giới thiệu về giải pháp làm mát bên trong bộ đồ bảo hộ nhằm hỗ trợ nhân viên y tế chống dịch làm việc giữa thời tiết nóng bức.
Thời tiết nắng nóng cùng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lực lượng nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu phòng dịch vô cùng vất vả. Thường xuyên phải mặc đồ bảo hộ trong một thời gian dài giữa thời tiết nắng nóng gay gắt khiến họ mệt mỏi, kiệt sức. Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo hộ che kín toàn thân cũng gây nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế cũng như chất lượng công việc.
Trước thực trạng đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến đầu. TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, hiện Viện đang nghiên cứu 2 giải pháp để chống nóng cho nhân viên y tế chống dịch là giải pháp làm mát thiết kế bên trong bộ đồ bảo hộ và kiot di động để đứng lấy mẫu xét nghiệm.
Trang phục bảo hộ này được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong. Bộ đồ có sử dụng 2 quạt đủ để làm mát toàn bộ cơ thể, ở dưới là cục pin có thể chạy được 10 tiếng, giúp cho các nhân viên y tế giải quyết được cái nóng khi mặc đồ bảo hộ. Có thể tăng giảm tốc độ, vì khi nghỉ ngơi có thể dùng quạt tốc độ nhẹ hơn.
Việc mang trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm. Trang phục này được may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở. Do bộ đồ này rất bí nên chỉ có thể tạo ra không khí đối lưu, giúp “hạ nhiệt” cho các y, bác sĩ. Dự kiến, sản phẩm này sẽ được mang lên Bắc Giang để dùng cho nhân viên y tế tuyến đầu và sẽ sớm được phổ biến cho tất cả các nhân viên y tế.
Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào nhằm giúp giảm nhiệt cơ thể.
Để bảo đảm sức khỏe cho nhân viên y tế ở các điểm nóng của dịch, các chuyên gia cho rằng người trực tiếp tại tâm dịch không nên làm việc trong điều kiện phải mang bảo hộ kín liên tục nhiều giờ mà cần được thay ca sau 2-3 tiếng, tránh để kiệt sức.
P.A.T (NASATI)
sức khỏe, nghề nghiệp, môi trường, y tế, cho biết, giải pháp, trang phục, bảo hộ, nhân viên