Trung Quốc đứng thứ hai trong danh sách các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất năm 2019
Cập nhật vào: Thứ năm - 01/10/2020 05:10 Cỡ chữ
Các nhà khoa học và nhà khoa học xã hội Trung Quốc đã vượt qua Vương quốc Anh về số lần trích dẫn, đứng thứ hai trong danh sách Các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều năm 2019 sau Mỹ. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết đây là kết quả của nhiều thập kỷ đầu tư nhiều vào nghiên cứu khoa học của nước này.
Tổng cộng 636 nhà nghiên cứu từ Trung Quốc đại lục có tên trong danh sách năm 2019, tăng mạnh so với 482 vào năm 2018, theo danh sách do Web of Science Group, một công ty thuộc Clarivate Analytics có trụ sở tại Mỹ, công bố mới đây. Số lượng các nhà nghiên cứu từ đại lục trong 21 danh mục của Chỉ số Khoa học Thiết yếu (Essential Science Indicators) cũng đã chứng kiến số lượng trích dẫn tăng gấp ba lần kể từ năm 2014.
99 nhà nghiên cứu Trung Quốc khác từ các khu vực Hồng Kông, Macao và Đài Loan cũng có tên trong danh sách. "Con số cho thấy những thành tựu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ngày càng được thế giới công nhận và nước này đang có nhiều đóng góp quý giá hơn", Wang Peiji, chuyên gia tại Trường Hàng không thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nói với Global Times. Các nhà nghiên cứu được Global Times tiếp cận lưu ý rằng sự gia tăng này được hưởng lợi từ sự hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ của chính phủ Trung Quốc đối với nghiên cứu khoa học, cả về chính sách và tài chính, dẫn đến một môi trường tốt cho các nhà nghiên cứu.
Mỹ đứng đầu danh sách trong số 60 quốc gia và khu vực với 2.737 tác giả, chiếm 44% tổng số nhà nghiên cứu trong danh sách. So với Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tụt hậu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản bao gồm các lĩnh vực như vật lý, hóa học, sinh học và thiên văn học. "Đó là kết quả của điều kiện quốc gia của Trung Quốc. Chúng tôi phải ưu tiên khoa học gắn với ứng dụng thực tế khi chúng tôi còn nghèo", Wang Peiji nói.
Các công ty công nghệ lớn như Alibaba và Huawei dự kiến sẽ thúc đẩy nghiên cứu về khoa học tự nhiên trong tương lai, Wang nói. Hai công ty được cho là đã đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến cơ học lượng tử.
Tân Hoa Xã đưa tin, đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản của Trung Quốc đạt 109 tỷ nhân dân tệ (16,25 tỷ USD) năm 2018, lần đầu tiên vượt 100 tỷ nhân dân tệ.
P.A.T (NASATI), theo Global Times, 9/2020
nhà khoa học, xã hội, trích dẫn, thứ hai, danh sách, nghiên cứu, cho biết, kết quả, thập kỷ, khoa học