Các nhà khoa học Trung Quốc hoàn thành việc giải trình tự bộ gen hạt lúa mì cổ
Cập nhật vào: Thứ năm - 13/06/2019 10:43 Cỡ chữ
Các nhà khoa học Trung Quốc đã giải trình tự toàn bộ bộ gen của hạt lúa mì 3.800 năm tuổi được khai quật từ Khu tự trị Tân Cương, giúp giải mã tuyến đường đưa loại cây lương thực này vào Trung Quốc.
Bốn viện nghiên cứu của Trung Quốc đã cùng thực hiện nghiên cứu. Các nhà khoa học đã trích xuất ADN từ 7 hạt lúa mì cổ đại được phát hiện từ nghĩa trang Xiaohe và Gumugou ở Tân Cương, đây là một giao điểm địa lý thiết yếu giữa phương Đông và phương Tây.
Cui Yinqiu, giáo sư của Trường Khoa học Sự sống tại Đại học Cát Lâm, tham gia nghiên cứu, cho biết hạt giống được bảo quản tốt và được chọn ngẫu nhiên từ các địa điểm khảo cổ có sự tương đồng về gen với lúa mì hiện đang được trồng ở Tây - Nam Trung Quốc.
Các nhà khoa học đề xuất rằng lúa mì phổ biến phân tán từ cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ở phía tây Trung Quốc đến thung lũng sông Dương Tử ở miền trung và miền đông Trung Quốc.
Nghiên cứu cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, sự phân tán và cải thiện di truyền cho việc trồng lúa mì ngày nay và được công bố trên số mới nhất của tạp chí khoa học quốc tế "Tạp chí thực vật" (The Plant Journal).
NASATI (theo Xinhua)
nhà khoa học, trình tự, toàn bộ, lúa mì, năm tuổi, khai quật, tự trị, tân cương, tuyến đường, lương thực