Nghiên cứu chọn tạo dòng cà phê vốn có khả năng kháng cao đối với loài trùng gây hại chính dùng làm gốc ghép cho các giống cà phê chè và cà phê vối thương mại
Cập nhật vào: Thứ tư - 22/01/2020 22:20
Cỡ chữ
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tổng diện tích trên 622.167 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,3 triệu tấn, niên vụ 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, trong đó các tỉnh Tây nguyên đã chiếm tới 94% diện tích. Trong những năm qua ngành cà phê đã có những bước phát triển đáng kể về diện tích, năng suất, sản lượng, bên cạnh đó ngành còn tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng Tây nguyên. Tuy vậy, hiện nay nhiều diện tích cà phê đang trong tình trạng già cỗi, năng suất ở các diện tích này đang sụt giảm rất nhanh, nếu tiếp tục khai thác sẽ kém hiệu quả, do vậy cần được phá bỏ để lập lại một chu kỳ mới.
Theo số liệu thống kê của Cục trồng trọt, trong tổng số diện tích cà phê đang sản xuất hiện nay có khoảng 86.000 ha >20 năm tuổi, diện tích từ 15 - 20 năm tuổi khoảng 140.000 ha. Như vậy nhu cầu tái canh cà phê trong thời gian tới rất lớn và cấp bách, tuy nhiên vấn đề tái canh cà phê đang gặp phải nhiều trở ngại như sau khi trồng lại 2 - 3 năm, cây cà phê bị vàng lá, sinh trưởng kém và bị chết dần. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính gây vàng lá và chết hàng loạt là do các loài tuyến trùng hại rễ. Giải pháp để phòng trừ tuyến trùng gây hại khi tái canh cà phê là vấn đề cấp thiết hiện nay. Có nhiều biện pháp để phòng trừ tuyến trùng hại rễ, tuy vậy biện pháp được cho là hiệu quả cao và ít gây ảnh hưởng môi trường nhất là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM - Intergrated Pest Management). Để tái canh thành công cần thiết phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như cày rà rễ kỹ, luân canh ít nhất 1 năm, xử lý đất, bón phân hữu cơ 15 - 20 kg/hố và yêu cầu nguồn tuyến trùng trên nền đất tái canh phải ở mức thấp <100 con/100g đất. Tuy nhiên, do tình hình cà phê già cỗi ngày một nhiều, mật độ tuyến trùng có xu hướng gia tăng trên các vùng chuyên canh cà phê. Vì thế, một trong những biện pháp IPM mang tính bền vững hơn là dùng các giống có khả năng chống chịu hoặc kháng được bệnh. Biện pháp này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và cho hiệu quả tốt, đặc biệt ở Ấn độ, Inđônêxia… Mặc dù đòi hỏi nhiều về thời gian, nguồn lực và kinh phí nhưng là giải pháp mang tính bền vững và có hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhằm chọn lọc được một số vật liệu cà phê làm gốc ghép có khả năng kháng với loài tuyến trùng gây hại chính nhằm phục vụ cho việc tái canh tác cà phê ở Tây Nguyên, góp phần đảm bảo cho ngành cà phê Việt Nam phát triển ổn định và bền vững. Nhóm nghiên cứu do TS. Lê Ngọc Báu, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo dòng cà phê vốn có khả năng kháng cao đối với loài trùng gây hại chính dùng làm gốc ghép cho các giống cà phê chè và cà phê vối thương mại”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đề tài thu được các kết quả như sau:
- Xác định được 11 loài tuyến trùng ký sinh trên cà phê, trong đó có 4 loài xuất hiện hầu hết trên 7 vùng điều tra thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên là Pratylenchuscoffea, Pratylenchus sp., Meloidogyne sp. và Rotylenchulus reniformis. Nhóm tuyến trùng Pratylenchus spp. hiện diện cao nhất trong tổng số các loài tuyến trùng gây hại và trong đó Pratylenchus coffeae là loài phổ biến nhất trên các vùng đất trồng cà phê tại Tây Nguyên.
- Chọn được 2 vật liệu giống 34/2 và 10/24 có khả năng chống rất chịu tốt với mật độ lây nhiễm tuyến trùng P. coffeae cao trong nhà lưới (>4.000 con/bầu cây giống). Hai vật liệu này có khả năng chống chịu và thích nghi tốt trên đồng ruộng sau 18 tháng trồng với tỷ lệ cây vàng lá từ 10,0 - 18,3%, tỷ lệ cây chết 5,0 - 8,3% và thấp hơn có ý nghĩa so với đối chứng (tỷ lệ cây chết của đối chứng 31,7 và 24,9%).
- Xác định được 4 tổ hợp gốc/chồi ghép của 2 vật liệu (10/24 và 34/2) là: 10/24-4, 10/24-9, 34/2-4, 34/2-9 với tỷ lệ sống >95,0%, tỷ lệ xuất vườn cao (79,3 - 84,1%), đồng thời có khả năng sinh trưởng tốt trên đồng ruộng sau 6 tháng trồng.
- Đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống In vitro cho 2 vật liệu cà phê vối 10/24 và 34/2 với điều kiện và môi trường nuôi cấythích hợp cho từng vật liệu.
Với kết quả này, nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục theo dõi thí nghiệm trên đồng ruộng thêm 1 - 2 năm để kết luận chính xác khả năng kháng tuyến trùng P. coffeae của 2 vật liệu giống 10/24 và 34/2 và có thể đánh giá khả năng kháng/chống chịu với tuyến trùng Meloidogyne cho 2 vật liệu giống 10/24 và 34/2. Nhóm cũng đề nghị ứng dụng quy trình nhân giống cho hai vật liệu cà phê vối (10/24 và 34/2) bằng phương pháp in vitro. Tuy nhiên cần nghiên cứu hoàn chỉnh qui trình tái sinh cây bằng hệ thống Bioreactor nhằm giảm thiểu khả năng cây bị thủy tinh thể. Tiếp tục thực hiện đề tài chọn giống kháng tuyến trùng vào giai đoạn tiếp theo để đánh giá tính kháng tuyến trùng cảu những vật liệu có triển vọng khác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14794/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)