Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật vào: Thứ hai - 01/07/2019 13:16
Cỡ chữ
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) đối với việc phát triển nông thôn mới (NTM) nên Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới” do các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển thực hiện trong thời gian từ năm 2015 đến 2017 góp phần thực hiện một trong các mục tiêu quan trọng của Chương trình là: “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020” (Thủ tướng Chính phủ, 2012a); và “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” (Thủ tướng Chính phủ (2017).
Nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát góp phần nâng cao hiệu quả huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM tại các vùng khác nhau trên đất nước ta, đề tài đã nỗ lực thực hiện đầy đủ các mục tiêu được đặt ra. Đề tài đã xác lập được cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng nông thôn mới; đã đánh giá được thực trạng về nguồn lực và cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khác nhau, kể cả các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, Đề tài đã đề xuất được các cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM. Hệ thống cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN xây dựng NTM được đề xuất quán triệt các nguyên tắc bám chắc vào các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; tuân thủ đầy đủ quy trình khoa học chính sách, trong đó có quy trình tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia của nông dân và đội ngũ KHKT cơ sở xã, thôn bản. Hệ thống cơ chế chính sách được đề xuất gắn liền với định hướng mục tiêu của Chương trình NTM, có cơ sở lý luận vững chắc và có cơ sở thực tiễn đầy đủ, sinh động và cập nhật dựa trên các kinh nghiệm phong phú trong nước và nước ngoài. Hệ thống cơ chế chính sách được đề xuất còn kế thừa được các kết quả của nhiều công trình nghiên cứu có liên quan của các tác giả đi trước, kế thừa được các thành tựu hoạch định chính sách liên quan đã có, tham khảo được các cơ chế chính sách của các quốc gia có điều kiện tương đồng.
Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng hệ thống cơ chế chính sách được đề xuất sẽ hữu ích khi được triển khai ứng dụng vào thực tiễn và giúp huy động một cách hiệu quả đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14595/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.T.T (NASATI)
nhận thức, quan trọng, khoa học, công nghệ, phát triển, nông thôn, chương trình, phục vụ, xây dựng