Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/09/2019 08:23
Cỡ chữ
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, việc nâng cao năng suất, chất lượng con giống luôn là mục tiêu hàng đầu của Nhà nước cũng như các nhà chăn nuôi. Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án khoa học công nghệ, Nhà nước đã chú trọng quan tâm đến công tác cải tạo, nâng cấp đàn lợn giống. Các giống lợn năng suất cao được nhập về như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain... đã cải thiện năng suất giống lợn trong nước. Các giống lợn này đã góp phần to lớn trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi lợn ở nước ta.
Tuy nhiên, do thị trường luôn biến đổi, nhu cầu con người ngày càng tăng và đặc biệt, điều kiện chăn nuôi của nước ta có nhiều sự khác biệt đối với nơi có con giống chuyển giao cho chúng ta. Vì thế, các sản phẩm này hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa, kết quả chăn nuôi lợn của chúng tư chưa đủ sức cạnh tranh được so với các sản phẩm cùng loại ở thị trường khu vực và thế giới. Trước yêu cầu của thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước và thế giới trong thời gian tới, đặc biệt tạo sản phẩm riêng cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, việc tạo ra các dòng tổng hợp để sản xuất lợn thương phẩm có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết. Vì vậy, nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hoá có khả năng phối hợp cao nhằm xây dựng chương trình lai có hiệu quả kinh tế đang là đòi hỏi cấp bách của sản xuất chăn nuôi lợn của nước ta hiện nay.
Xuất phát từ tính cấp thiết trên, năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương thực hiện đề tài “Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Bắc”. Đề tài do ThS. Phạm Duy Phẩm làm chủ nhiệm với mục tiêu là tạo được 02 dòng lợn nái và 01 dòng lợn đực có năng suất sinh sản, sinh trưởng và chất lượng thịt cao từ các nguồn gen lợn đang được lưu giữ ở Việt Nam (Landrace, Yorkshire, Meishan, Duroc, Pietrain...).
Sau một thời gian nghiên cứu và thực hiện, đề tài đã hoàn thành được tất cả các nội dung theo thuyết minh đã được phê duyệt. Các sản phẩm của đề tài được thực hiện đầy đủ với chất lượng tốt và đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:
- Từ nguồn nguyên liệu ban đầu bao gồm các giống lợn Meishan (VCNMS15), Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain, VCN02, VCN03 và VCN07, đề tài đã cho giao phối, tự giao để lựa chọn được 02 dòng lợn nái và 01 dòng lợn đực có năng suất, chất lượng tốt đó là các dòng lợn TH12, TH21 và ĐC1. Kết quả về số lượng và năng suất cụ thể như sau:
+ Dòng lợn TH12: lựa chọn được 30 lợn cái và 10 lợn đực, có số con sơ sinh sống/ổ: 12,05 con; số con cai sữa/ổ: 11,17 con; số lứa đẻ/nái/năm: 2,31 lứa; Tăng khối lượng: 765,33 g/ngày ở lợn đực và 752,40 g/ngày ở lợn cái; Tiêu tốn thức ăn: 2,58 kgTA/kgTKL.
+ Dòng lợn TH21: lựa chọn được 30 lợn cái và 10 lợn đực, có số con sơ sinh sống/ổ: 13,22 con; số con cai sữa/ổ: 12,49 con; số lứa đẻ/nái/năm: 2,33 lứa; Tăng khối lượng: 723,90 g/ngày ở lợn đực và 699,67 g/ngày ở lợn cái; Tiêu tốn thức ăn: 2,69 kgTA/kgTKL.
+ Dòng lợn ĐC1: lựa chọn được 30 lợn cái và 10 lợn đực, có số con sơ sinh sống/ổ: 10,38 con; số con cai sữa/ổ: 9,55 con; Tăng khối lượng: 879,52 g/ngày ở lợn đực và 846,83 g/ngày ở lợn cái; Tiêu tốn thức ăn: 2,52 kgTA/kgTKL; Tỷ lệ nạc ở lợn cái là 61,52% và lợn đực là 62,18%.
- Đề tài đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và quy trình vệ sinh thú y cho các dòng lợn được chọn.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15039) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. P.K.L (NASATI)