Nghiên cứu quy trình sử dụng kháng sinh hợp lý trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/10/2019 05:13
Cỡ chữ
Vibriosis là một trong những bệnh do vi khuẩn thuộc giống Vibrio gây ra trên tôm nuôi và là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại lớn trong các trại sản xuất giống. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, xảy ra tình trạng tôm nuôi thương phẩm ở Việt Nam chết hàng loạt, nguyên nhân là do dịch bệnh hoại tử gan tụy. Đây là bệnh truyền nhiễm mới cũng do Vibrio gây ra. Tuy nhiên, tại thời điểm đó đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước được thực hiện nhưng vẫn chưa tìm ra tác nhân gây bệnh. Đến tháng 05/2013, tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là Vibrio parahaemolyticus.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease - AHPND) còn được gọi là hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome-EMS) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm ở một số quốc gia trên thế giới, với tổn thất ước tính trên 1 tỷ USD mỗi năm. Bệnh thường xảy ra khoảng 8 ngày sau khi thả giống, phát triển một cách nhanh chóng và gây chết hàng loạt trong 20 đến 30 ngày nuôi đầu. Dấu hiệu lâm sàng ở tôm bệnh bao gồm tăng trưởng chậm, ruột rỗng hoặc ruột bị đứt đoạn, bơi xoắn ốc, vỏ mềm, màu sắc nhợt nhạt. Tôm bệnh có các dấu hiệu gan tụy bất thường như nhạt màu, sưng hoặc teo nhỏ, có nhiều đốm đen trong khối gan tụy.
Kể từ khi tác nhân gây bệnh được xác định, đã có nhiều thử nghiệm tìm giải pháp phòng trị bệnh có hiệu quả được thực hiện. Các giải pháp tổng hợp được áp dụng bao gồm con giống tốt, cải tạo ao kỹ, quản lý chất lượng nước, sử dụng chế phẩm vi sinh và tăng sức đề kháng. Một trong những biện pháp mà người nuôi áp dụng là diệt khuẩn, cấy chế phẩm vi sinh và sử dụng các chất kháng khuẩn trộn vào thức ăn. Đáng kể nhất là việc sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng trị hoặc có một số trường hợp sử dụng kháng sinh cho vào nước để trị bệnh nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Các giải pháp phòng trị bệnh của người nuôi chủ yếu là do hướng dẫn của các đại lý cung cấp thuốc, hóa chất hay truyền kinh nghiệm của người trong vùng. Chính vì vậy hiệu quả mang lại chưa ổn định và việc sử dụng kháng sinh chưa mang tính khoa học hay được hướng dẫn cụ thể.
Sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản có nguy cơ dẫn đến sự kháng thuốc của vi khuẩn. Ngoài ra, còn có hiện tượng tồn lưu kháng sinh trong tôm sẽ làm 2 ảnh hưởng đến xuất khẩu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thụ sản phẩm và uy tín của nước có tôm xuất khẩu. Đối với kháng kháng sinh thì gen kháng thuốc của vi khuẩn có thể truyền cho người tiêu thụ làm ảnh hưởng đến việc chữa trị bệnh. Việc nghiên cứu sử dụng kháng sinh hợp lý là rất cần thiết trong nuôi tôm hiện nay đang đối phó với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn chưa có giải pháp ổn định. Xuất phát từ thực tế trên, TS. Lê Hồng Phước hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (RIA2) cùng các đồng nghiệp tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sử dụng kháng sinh hợp lý trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ ở Việt Nam” với mục đích nâng cao hiệu quả phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp bằng việc sử dụng kháng sinh hợp lý, không kháng thuốc, không dư lượng, kiểm soát được bệnh và tăng tỷ lệ sống.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
* Số lượng kháng sinh được sử dụng trong nuôi tôm ở 3 miền Bắc, Trung và Nam tương ứng với 11, 10 và 15 loại. Trong đó, oxytetracycline và tetracycline là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong phòng trị bệnh tôm ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
* V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại miền Bắc kháng với nhiều loại kháng sinh. Các loại kháng sinh còn nhạy đối với V. parahaemolyticus gây hoại tử gan tụy cấp như doxycycline ở miền Nam; amoxicillin/clavulanic acid, doxycycline và cefotaxime ở miền Trung và doxycyclin ở miền Bắc. Có 70-100% số mẫu V. parahaemolyticus gây AHPND có hiện tượng kháng với nhiều loại kháng sinh ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.
* Doxycycline có hiệu quả trị bệnh cao nhất so với các loại kháng sinh sử dụng khi sử dụng liều từ 3-5g/kg thức ăn. Oxytetracycline cũng mang lại hiệu quả trị bệnh tốt khi sử dụng liều 10-15 g/kg thức ăn, tuy nhiên đối với florfenicol hiệu quả trị bệnh tùy thuộc vào liều sử dụng, ở liều thấp 1,5 g/kg thức ăn cho hiệu quả tốt nhưng liều cao 3,5 g/kg thức ăn không mang lại hiệu quả.
* Trong điều kiện phòng thí nghiệm, doxycycline có thể được loại thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể tôm sau 4 tuần ngưng cho ăn kháng sinh liều 3-8g//kg thức ăn. Florfenicol được loại thải hoàn toàn sau 2 tuần ngưng sử dụng liều 2,5-3,5g/kg thức ăn. Đối với oxytetracycline ở tuần thứ 2 sau khi ngưng kháng sinh không phát hiện dư lượng ở liều 10g/kg thức ăn. Gentamcin được loại thải sau 3 tuần ngưng sử dụng liều 1,7g/kg thức ăn.
* Kết quả thử nghiệm phòng trị bằng doxycycline trong điều kiện ao nuôi liều 3g/kg thức ăn ở tuần thứ 3, 5, 7 và thời điểm có sự hiện diện của V. parahaemolyticus cho hiệu quả tốt ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam với sản lượng thu hoạch 8-15 tấn/ha sau thời gian nuôi 80-100 ngày với tỷ lệ sống 70-86%.
* Thời gian loại thải doxycycline trong điều kiện ao nuôi nhanh hơn trong điều kiện phòng thí nghiệm. Trong ao nuôi ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam doxycycline được loại thải hoàn toàn sau 16 ngày ngưng sử dụng.
* Các loại kháng sinh có hiệu quả gồm doxycycline (3 miền), oxytetracycline (miền Bắc) và florfenicol (miền Nam).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15094/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
vi khuẩn, nguyên nhân, chủ yếu, thiệt hại, sản xuất, tuy nhiên, tình trạng, thương phẩm, hàng loạt, truyền nhiễm, thời điểm, nghiên cứu, thực hiện, tác nhân, xác định