Trầm tích đe dọa loài nước ngọt cỡ nhỏ nhiều hơn dòng thải phân bón
Cập nhật vào: Thứ năm - 21/11/2019 09:59
Cỡ chữ
Nhiều nghiên cứu tập trung định lượng hậu quả môi trường của dòng thải phân bón, nhưng nghiên cứu mới cho thấy sự tích tụ trầm tích từ ngành nông nghiệp là mối đe dọa lớn hơn đối với côn trùng, động vật giáp xác và các loài sinh vật không xương sống khác dưới nước có thể quan sát bằng mắt thường.
Nồng độ nitơ và phốt pho tăng cao trong các hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề, đáng chú ý là sự suy giảm oxy, tảo nở hoa sản sinh độc tố, nhưng những phát hiện mới nhất cho thấy trầm tích dư thừa đang làm thay đổi cơ bản nơi cư trú dưới sông của các loài sinh vật nước ngọt.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã khảo sát sức khỏe của quần thể sinh vật không xương sống có thể quan sát bằng mắt thường trong nhiều nguồn nước hoặc các môi trường nước ngọt khác.
"Đặc điểm sinh thái của các cộng đồng động vật không xương sống như nguồn thức ăn, thời gian sinh sản…, là chỉ số đáng tin cậy cho trạng thái sinh thái và cho phép chúng tôi xác định gián tiếp chất lượng môi trường sống dưới nước", Miguel Cañedo-Argüelles, chuyên gia sinh thái và thủy văn nước ngọt và là đồng tác giả nghiên cứu nói.
Khảo sát quần thể động vật không xương sống có thể quan sát bằng mắt thường cho thấy các hệ sinh thái đang bị suy thoái tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dòng thải nitrat, nhưng phân tích kỹ lưỡng cho thấy sự tích tụ trầm tích, kết quả của việc thâm canh và phá rừng, là thủ phạm chính.
"Tình trạng nghèo nàn sinh thái sẽ không chỉ do độc tính nitrat mà do thiệt hại môi trường sống dưới nước bắt nguồn từ sự tích tụ trầm tích dưới sông do ảnh hưởng của nạn phá rừng và các phương thức nông nghiệp", Cañedo-Argüelles nói.
Phân bón dư thừa thúc đẩy sự phát triển của tảo và thảm thực vật nước ngọt khác, cũng như làm thay đổi thành phần hóa học của các tuyến đường thủy. Trong khi đó, trầm tích làm biến đổi thành phần vật lý của môi trường nước ngọt, phá vỡ môi trường nơi động vật không xương sống có thể quan sát bằng mắt thường và các loài sinh vật nước ngọt nhỏ khác sinh sống, sinh trưởng và sinh sản. Theo nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLOS One, đó là sự thay đổi vật lý của môi trường thông qua sự tích tụ trầm tích có hại nhất về mặt sinh thái.
Nhóm nghiên cứu mới hy vọng phát hiện sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh các quy định môi trường phù hợp. Hầu hết hướng dẫn giám sát môi trường tập trung vào mức độ nitrat và phốt pho thích hợp, nhưng theo Cañedo-Argüelles, nỗ lực giảm dòng chảy trầm tích cũng quan trọng để "bảo tồn môi trường sống và đặc điểm hình thái thủy văn tự nhiên của các con sông".
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2019/11/13/Sediment-is-a-greater-threat-to-small-freshwater-species-than-fertilizer-runoff/5051573672038/?sl=9, 13/11/2019
nghiên cứu, tập trung, hậu quả, môi trường, phân bón, sự tích, nông nghiệp, đe dọa, côn trùng, động vật, giáp xác, sinh vật, xương sống, có thể, quan sát