Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa hàng hóa và rau an toàn
Cập nhật vào: Thứ tư - 24/07/2019 22:04
Cỡ chữ
Để thực hiện chủ trương Nghị quyết 26-NQ/T.W và Nghị quyết số 05 ngày 25/10/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, phải ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách từ khoa học vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm, xã hội hoá công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đó tạo môi trường thuận lợi tranh thủ được các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho tỉnh Hưng Yên.
Vì vậy, đề tài “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa hàng hóa và rau an toàn (dƣa chuột, rau cải cao cấp, bí xanh, bí đỏ) tại xã điểm xây dựng nông thôn mới Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên” do nhóm nghiên cứu tại Viện Nước, tưới tiêu và môi trường thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016, là rất cấp thiết và hoàn toàn phù hợp với định hướngphát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Động nói riêng và tỉnh Hưng yên nói chung, đồng thời đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Phú Thịnh.
Đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hàng hóa quy mô 50,2 ha ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất gồm: quy hoạch lại đồng ruộng, tổ chức dồn điền đổi thửa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và xây dựng được chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sau 2 vụ sản xuất, năng suất lúa vụ mùa năm 2015 với giống Thiên Ưu 8 đạt 6,09 tấn/ha, năng suất lúa vụ Xuân 2016 với giống TBR225 đạt 6,37 tấn/ha (vượt mục tiêu đề ra). Trung bình thu nhập của người dân từ sản xuất lúa của mô hình trong vụ mùa năm 2015 là 26,2 triệu đồng/ha, cao hơn 19,1% so với người dân ngoài mô hình (22 triệu đồng/ha). Trong vụ xuân 2016, trung bình thu nhập của người dân từ sản xuất lúa là 30,2 triệu đồng/ha, cao hơn 24% so với người dân ngoài mô hình thu nhập 24,4 triệu đồng/ha. Tổng lãi thuần thu nhập 1 năm/1 ha trong mô hình cao hơn 9,5 triệu đồng so với ngoài mô hình. Kết quả đo đạc lượng nước tưới và lượng phát thải KNK trong hai vụ sản xuất lúa của mô hình đều giảm, cụ thể lượng phát thải KNK giảm 26,1% và lượng nước tưới giảm 15% so với phương pháp tưới ngập truyền thống.
- Đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi 5,5 ha cơ cấu cây trồng từ khu vực đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn bao gồm: mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới quy mô 0,5 ha và mô hình sản xuất rau an toàn ngoài đồng quy mô 5 ha, nhà sơ chế bảo quản... Toàn bộ diện tích sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đặc biệt Dự án được ứng dụng Ezcheck trên điện thoại trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR (một loại mã vạch hai chiều) vào các sản phẩm rau của dự án nhằm bảo vệ thương hiệu và quản lý sản phẩm. Năng suất trung bình các loại rau trong mô hình như: dưa chuột đạt 27,8 tấn/ha (cao nhất vụ đông xuân 2016 đạt 31,01 tấn/ha); bí xanh đạt 39,08 tấn/ha (vụ đông xuân đạt 38,6 tấn/ha, vụ thu đông đạt 39,51 tấn/ha), năng suất bí đỏ đạt 32,2 tấn/ha (vụ đông xuân đạt 31,18 tấn/ha, vụ thu đông đạt 33,25 tấn/ha). Trong thời gian thực hiện mô hình, tổng sản lượng dưa chuột đạt 205 tấn, bí xanh đạt 66,7 tấn, bí đỏ 48,8 tấn, rau cải các loại đạt 29,9 tấn. Mô hình đã đem lại thu nhập ổn định cho 33 hộ gia đình, thu nhập của mỗi nông nhân tham gia trong mô hình khoảng 3 triệu đồng/tháng (tương đương 36 triệu đồng/năm), cao gấp 6,4 lần so với thu nhập từ trồng lúa. Mô hình đã tạo dựng được mối liên kết sản xuất bền vững với sự tham gia chặt chẽ và sát sao của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp, các cơ quan khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp cùng với các hộ nông dân để thực hiện theo phương thức sản xuất mới, trong đó mỗi hộ nông dân góp đất tham gia mô hình đã thực sự trở thành những “công nhân nông nghiệp”.
Kết quả đạt được của mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương, tạo động lực cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông trong bối cảnh nhiều nơi trong vùng ruộng vụ đông đang bị bỏ không do người dân ko mặn mà với thu nhập mang lại từ đồng ruộng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14629/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
thực hiện, chủ trương, nghị quyết, đảng bộ, chương trình, nông nghiệp, hàng hóa, hiệu quả, ứng dụng, tiến bộ, kỹ thuật, sản xuất, rút ngắn, khoảng cách, khoa học, sản phẩm, xã hội, hoá công, môi trường, thuận lợi, tranh thủ