Xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm với hải sâm theo VietGAP cho một số tỉnh ven biển miền Trung
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 04:16
Cỡ chữ
Theo báo cáo tại Hội nghi ̣ tổng kết thủy sản năm 2016, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt hơn 6,7 triệu tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác gần 3,1 triệu tấn (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015), sản lượng nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn (tăng 3,3% so với cung kỳ năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự phát triển nuôi trồng thủy sản một cách mạnh mẽ ở nước ta, sự phát triển trên quy mô rộng, thiếu quy hoạch đã làm phá vỡ cân bằng môi trường, gây ô nhiễm vùng biển ven bờ mà sự phá huỷ này để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không thay đổi cách làm và phương thức canh tác theo hướng khoa học.
Một số hình ảnh liên quan đến dự án
Việc sử dụng hoá chất, thuốc, chế phẩm ngày càng nhiều sẽ làm cho vùng ven bờ suy thoái ngày càng nghiêm trọng và khó có thể trở lại cân bằng như thời điểm ban đầu. Do đó nhóm nghiên cứu ThS. Lê Ngọc Quân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm theo VietGAP cho một số tỉnh ven biển miền Trung” nhằm định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo phương pháp kết hợp nuôi tôm, ốc hương với hải sâm, rong biển nhằm khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản xuất bền vững và tăng thu nhập cho người dân góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các xã ven biển miền Trung.
Sau một thời gian triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
- Bốn tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Khánh Hòa có tiềm năng lớn về phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, mặc dù vậy vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và diện tích, năng suất suất bình quân tôm sú vẫn còn thấp từ 1-1,4 tấn/ha, ốc hương năng suất khá cao đạt trung bình 9,3-10,8 tấn/ha nhưng không bền vững.
- Xây dựng thành công 4 mô hình/4 mô hình nuôi tôm sú, ốc hương kết hợp với hải sâm và rong biển theo VietGAP, trong đó: 2 mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm và rong nho theo VietGAP tại Phú Yên và Khánh Hòa đạt năng suất ốc hương 2,5 tấn/ha, hải sâm 1,3 tấn/ha, rong nho 17,6 tấn/ha; 2 mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong biển theo VietGAP tại Thừa Thiên Huế và Quảng Bình đạt năng suất tôm sú 3,15 tấn/ha, hải sâm 0,72 tấn/ha, rong biển (rong câu) 2,52 tấn/ha
- Xây dựng thành công 2 mô hình/2 mô hình nuôi tôm sú, ốc hương kết hợp với hải sâm và rong biển theo chuỗi giá trị, trong đó: 1 mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm và rong nho theo chuỗi giá trị Khánh Hòa đạt năng suất ốc hương 3,1 tấn/ha, hải sâm 2,1 tấn/ha, rong nho 3,8 tấn/ha; 1 mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong biển theo chuỗi giá trị tại Ninh Thuận đạt năng suất tôm sú 3,63 tấn/ha, hải sâm 2,58 tấn/ha, rong biển (rong nho) 3,1 tấn/ha. Sản phẩm tạo ra được tiêu thụ 100% thông qua mỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
- Các yếu tố nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ mặn trong các mô hình nuôi kết hợp đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép và ổn định để tôm sú, ốc hương, hải sâm phát triển. Việc nuôi kết hợp hải sâm và rong biển có thể khống chế các chất độc (NH3 và NO2) để luôn đảm bảo giới hạn cho phép.
- Hiệu quả kinh tế đạt được: Mô hình hình nuôi kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế gần 300 triệu/ha/vụ, tăng hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm hơn với hộ không tham gia mô hình 27-30%; Mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển ở Phú Yên và Khánh Hòa cho thấy các tác nhân gây bệnh gồm nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn đều thấp, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi. Trên ốc hương không xuất hiện các bệnh thường gặp do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra; các bệnh thường gặp do ký sinh trùng hay nấm đều ít xuất hiện ở cả ốc hương, hải sâm và rong biển; Mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế tình hình bệnh xảy ra trên các đối tượng nuôi đều ít xuất hiện hoặc nếu có không gây bệnh cho tôm nuôi. Trên tôm sú nuôi không xuất hiện các bệnh thường gặp do virus gây ra (MBV, WSSV, IHHNV, TSV, YHV).
Ngoài ra, dự án đã tổ chức tập huấn cho 186/180 người (KH) hộ tham gia xây dựng mô hình. Tập huấn cho những người không tham gia trực tiếp xây dựng mô hình 212 người/200 người (KH). Học viên đã nắm được kỹ thuật nuôi cũng như lợi ích khi áp dụng quy phạm VietGAP và liên kết theo chuỗi giá trị vào mô hình. Các cuộc hội thảo thông tin tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được chuyển cho các hộ dân ven biển miền Trung. Xây dựng sổ tay kỹ thuật, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để các ngư dân ven biển trong cả nước có điều kiện phù hợp nuôi kết hợp để học tập làm theo.
Như vậy, dự án này đã cải thiện môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phần lớn lượng khí độc sinh ra từ đáy ao, giảm bớt bùn đáy ao, rút ngắn thời gian nuôi, giảm dịch bệnh cũng như hạn chế sử dụng thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi và tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích so với nuôi đơn. Nhóm nghiên cứu mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng chuyển giao các mô hình nuôi tôm sú, ốc hương với hải sâm và rong biển cho các tỉnh ven biển miền Trung.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14690/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)