Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm cho 5 giống bạch đàn lai mới được công nhận (UP35, UP54, UP72, UP95, UP99)
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/11/2019 23:43
Cỡ chữ
Được nhập vào Việt Nam từ những năm 1930, đến nay, bạch đàn đã trở thành một trong những nhóm cây trồng rừng chủ yếu trong các chương trình trồng rừng tập trung và trồng rừng phân tán ở nước ta. Cùng với các loài keo Acacia, rừng trồng bạch đàn đã góp phần đáng kể trong đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp giấy, ván dăm, gỗ trụ mỏ, gỗ củi, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Kết quả nghiên cứu các giai đoạn trước năm 2005 đã xác định được một số loài bạch đàn có triển vọng cho trồng rừng nước ta như Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla); Bạch đàn caman (E. camaldulensis) và Bạch đàn tere (E. tereticornis) Bạch đàn pelita (E. pellita). Kết quả nghiên cứu về lai giống giữa các loài bạch đàn cho thấy các loài trên có khả năng lai với nhau và tạo ra các tổ hợp lai có ưu thế lai về sinh trưởng rất rõ rệt so với các giống bố mẹ. Đây cũng là hướng đi nhiều triển vọng trong nghiên cứu cải thiện giống cây rừng nói chung và bạch đàn nói riêng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng ở nước ta trong những năm gần đây.
Giai đoạn 2005 - 2006, trong khuôn khổ dự án Sida-SAREC về nghiên cứu cải thiện giống cây rừng, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (nay là Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp) đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nghiên cứu lai giống giữa Bạch đàn uro và Bạch đàn pellita. Kết quả đã tạo ra được hơn 60 tổ hợp lai UP và PU (chủ yếu là UP) và một số khảo nghiệm hậu thế giống lai đã được xây dựng tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị và Bình Dương. Kết quả đánh giá ở giai đoạn 30 tháng tuổi cho thấy giống lai giữa hai loài Bạch đàn này rất có triển vọng cho trồng rừng ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nhiều tổ hợp lai có sinh trưởng tốt hơn rõ rệt so với các giống đối chứng tốt nhất tại mỗi lập địa là U6 và PN14, với độ vượt trung bình về thể tích từ 20 - 50%. Đặc biệt, nhiều tổ hợp lai UP vẫn duy trì được sức sống mạnh mẽ với tán lá khỏe mạnh trong điều kiện mùa đông lạnh và khô ở Ba Vì, điều này có thể được giải thích do khả năng chịu hạn tốt nhờ bộ rễ ăn sâu của Bạch đàn pellita. Một số giống lai UP còn chứng tỏ ưu thế lai nổi trội về khả năng chống chịu bị bệnh khô cành và cháy lá.
Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận một số giống cây lâm nghiệp mới là Giống quốc gia và Giống Tiến bộ kỹ thuật trong đó có Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP97, UP99. Thông qua hoạt động nghiên cứu hàng năm giai đoạn 2006 - 2012, nhân giống bằng phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô tế bào đã được thực hiện trên một số giống Bạch đàn lai, kết quả bước đầu đã xây dựng được quy trình nhân giống ở quy mô phòng thí nghiệm (công suất 8.000 – 10.000 cây/năm), song thực tế cho thấy quy trình này không thể áp dụng cho tất cả các giống bạch đàn lai UP bởi vì các giống có kiểu gen hoàn toàn khác nhau do đó phản ứng của các giống trong các điều kiện môi trường, thậm chí trong cùng một điều kiện môi trường sẽ khác nhau. Do đó, hoàn thiện quy trình nhân giống (mô và hom) cho các giống bạch đàn lai UP nhằm đem lại hiệu quả sản xuất tối ưu ở quy mô lớn là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Nguyễn Hữu Sỹ, Viện NC Giống và CNSH Lâm nghiệp và các đồng nghiệp đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm cho 5 giống Bạch đàn lai mới được công nhận (UP35, UP54, UP72, UP95, UP99)”.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, dự án đã thực hiện được các nội dung sau:
Dự án đã xây dựng 25 ha mô hình rừng trồng bằng 5 giống mới tại hai vùng sinh thái, bao gồm:
▪ Ba Vì (Hà Nội): diện tích 10ha
▪ Yên Thế (Bắc Giang): diện tích 05ha
▪ Thác Bà (Yên Bái): diện tích 05ha
▪ Quy Nhơn (Bình Định): diện tích 05ha
Kết quả đánh giá ở giai đoạn 3 tuổi cho thấy các mô hình đều có tỷ lệ sống trên 90%. Các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 có sinh trưởng trung bình về đường kính tại các mô hình đạt từ 8,72 - 9,92 cm, về chiều cao đạt 12,78 - 13,76 m, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 20,52 - 28,58 m3/ha/năm trong khi các giống đối chứng, sản xuất đại trà chỉ được 7,35 - 7,75 cm về đường kính, cao 10,65 - 12,40 m, năng suất từ 13,00 - 15,87 m3/ha/năm. Sự vượt trội này cho thấy triển vọng trồng rừng gỗ lớn từ các giống Bạch đàn lai UP.
Dự án đã xác định được năng suất rừng trồng đối với Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 có thể tăng gấp 1,35 lần so với phương pháp bón phân trồng rừng thông thường (tức chỉ bón thúc vào lần chăm sóc thứ nhất của năm thứ hai và năm thứ 3, với lượng phân bón là 0,2kgNPK/cây) nếu bón lót (400g 16% P2O5 + 40g 60% K2O)/hố, bón thúc 45g 46% N/hố sau khi trồng rừng 1 tháng, 90 g 46% N/hố ở giai đoạn sau trồng rừng 3 tháng, và sau cùng bón 130g 46% N/hố ở giai đoạn sau trồng rừng 12 tháng. Từ kết quả thực hiện Dự án, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 (Bản hướng dẫn kèm theo sản phẩm của báo cáo).
Dự án đã xây dựng được 2 vườn vật liệu tại Ba Vì (Hà Nội), diện tích 1.000 m2/vườn.
Nghiên cứu bổ sung và xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99
Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 được xác định:
- Sử dụng IBA (dạng bột) nồng độ 1,5 % cho tỷ lệ ra rễ đạt 83,28%, với 3,78 rễ/hom, chiều dài rễ trung bình là 3,63 cm.
- Sử dụng hom ngọn cho hiệu quả ra rễ cao đạt 83,33%, 4,08 rễ/hom, chiều cao rễ trung bình 3,79 cm. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất việc sử dụng hom sát ngọn có thể được chấp nhận với tỷ lệ hom ra rễ 79,56% với 3,97 rễ/hom, rễ dài 3,57 cm.
- Giá thể phù hợp để giâm hom Bạch đàn lai UP là Bầu đất với tỷ lệ hỗn hợp: 89% đất vườn ươm, 10% phân hữu cơ, 1% phân lân (tỷ lệ ra rễ đạt 85,55%, với 4,35 rễ/hom; chiều dài trung bình rễ là 4,23 cm.
- Có thể tiến hành giâm hom quanh năm cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99.
- Kết quả bước đầu cho thấy hom lấy từ vườn vật liệu công nghệ mới có tỷ lệ ra rễ và số rễ/hom cao hơn hẳn so với hom từ vườn vật liệu truyền thống (tỷ lệ hom ra rễ là 90,4% và 4,5 rễ/hom trong khi ở vườn vật liệu truyền thống hai giá trị này lần lượt là 81,7% và 3,7 rễ).
Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99.
Dự án đã nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99. Trong đó, phương pháp nhân giống thích hợp cho các đối tượng Bạch đàn lai UP nói trên được xác định như sau:
- Khử trùng bằng HgCl2 0,05% với thời gian 6 phút (cho tỷ lệ mẫu nảy chồi hữu hiệu đạt 26,1%, tỷ lệ mẫu nhiễm 38,5%).
- Môi trường nhân nhanh chồi là MS* bổ sung 1,5 mg/l BAP cho hệ số nhân chồi đạt 3,2 lần, tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 37,9%.
- Trước khi tiến hành ra rễ in vitro, chồi Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 cần được nhân trong môi trường MS* bổ sung 1,5 mg/l BAP và 0,25 mg/l IAA (hệ số nhân chồi đạt 2,7 lần, tỷ lệ chồi hữu hiệu là 66,4%).
- Môi trường ra rễ tối ưu cho cả 5 giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 là 1/2MS* bổ sung 1,0 mg/l IBA cho tỷ lệ chồi ra rễ đạt 94,6%, số rễ/cây đạt 4,3 rễ, chiều dài rễ đạt 1,3 cm.
- Thời gian huấn luyện thích hợp 6 – 10 ngày cho tỷ lệ sống đạt trên 85%, chiều cao đạt 4,55 – 5,03 cm.
Dự án đã chuyển giao giống gốc và kỹ thuật nhân giống cho 3 đơn vị nghiên cứu và sản xuất lâm nghiệp trong nước, gồm:
▪ Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn
▪ Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Yên Thế
▪ Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Thác Bà
Sau khi tiếp nhận chuyển giao, các đơn vị đã thực hiện tốt và thành thục các kỹ thuật cơ bản về giâm hom và nuôi cấy mô đối với Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99. Trên cơ sở đó, cả 3 đơn vị đang phát triển sản xuất các giống cây này để cung ứng cho một số chương trình trồng rừng (năm 2017) và bà con nhân dân tại địa phương. Trong tương lai, mô hình nhân giống sẽ được mở rộng nhằm đáp ứng khả năng cung cấp giống tại chỗ và các địa phương lân cận.
Dự án đã sản xuất cây giống phục vụ xây dựng mô hình trồng rừng
Dự án đã tiến hành sản xuất 636.155 cây giống bao gồm:
▪ Sản xuất cây giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 phục vụ xây dựng mô hình trồng rừng (1.900 cây/ha x 25 ha = 47.500 cây giống). Địa điểm xây dựng: Thác Bà (Yên Bái), Yên Thế (Bắc Giang), Ba Vì (Hà Nội) và Quy Nhơn (Bình Định).
▪ Sản xuất cây giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 xây dựng vườn vật liệu (3.140 cây/vườn x 2 vườn = 6.280 cây giống) 101
▪ Sản xuất cây giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 phục vụ trồng rừng: 582.375 cây giống.
Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao cây từ 20 - 30 cm; đường kính cổ rễ từ 0,2 - 0,3cm; Cây không cong queo, sâu bệnh; có đỉnh sinh trưởng chính, lá xanh và khả năng sinh trưởng tốt.
Dự án ước tính sau 6 năm đạt công suất 100% của Dự án, tổng doanh thu đạt 5.505.000.000 đồng. Nếu không bị thiên tai hoặc những biến động xấu khác thì Dự án hoàn toàn có đủ khả năng thu hồi vốn và có lãi. Đây là cơ sở cho người kinh doanh rừng tin tưởng trong việc sử dụng các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 trong trồng rừng kinh tế.
Với việc hoàn thiện kỹ thuật nhân giống bằng giâm hom và quy trình nuôi cấy mô cho các giống Bạch đàn lai UP, Dự án đã tối ưu hóa hệ số nhân chồi, nâng cao tỷ lệ ra rễ cho các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99. Đồng thời, hoạt động tập huấn, đào tạo và chuyển giao giống, kỹ thuật nhân giống tại 3 đơn vị tiếp nhận đã giúp các đơn vị này không những được tiếp cận với nguồn giống chất lượng mà còn được bổ sung cơ hội việc làm, hoàn thiện và nâng cao công nghệ.
Các diện tích rừng trồng được triển khai trong Dự án đã tạo công ăn việc làm cho không chỉ các cơ quan hợp tác trồng rừng mà cả người dân trong các vùng lân cận. Đồng thời, đây cũng là những mô hình trình diễn; là minh chứng về hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng trồng Bạch đàn lai UP, tạo niềm tin cho đơn vị phối hợp và nhân dân vùng lân cận trong việc lựa chọn giống cây phù hợp; là cơ sở và động lực cho các chương trình trồng rừng kinh tế nói chung và trồng rừng Bạch đàn lai UP với giống Tiến bộ kỹ thuật nói riêng. Ngoài ra, kết quả thực hiện Dự án cũng cho thấy việc kết hợp giữa giống tốt và biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp có thể tăng năng suất rừng trồng Bạch đàn lai UP tới 1,35 lần. Bản hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng đối với các giống Bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP95, UP99 sẽ là tài liệu quý và hữu ích, giúp phổ biến kiến thức đến người dân, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng ở nước ta.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15148/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
bạch đàn, trở thành, chủ yếu, chương trình, tập trung, phân tán, góp phần, đáng kể, nhu cầu, nguyên liệu, công nghiệp, quan trọng, đời sống, nhân dân, trung du