Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ năm - 14/11/2019 21:04
Cỡ chữ
Đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 86.000 ha diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm khoảng 13% tổng diện tích cà phê, khoảng 140.000 - 150.000 ha diện tích cà phê từ 15 - 20 tuổi chiểm khoảng 22% tổng diện tích. Ngành cà phê Việt Nam đang đối đầu với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề diện tích cà phê già cỗi (năng suất dưới 1,5 tấn/ha, độ tuổi trên 25 năm, cây sinh trưởng phát triển kém) đang tăng nhanh. Việc tái canh cà phê trồng lại gặp rất nhiều khó khăn, kết quả điều tra của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy: vườn trồng tái canh thất bại chiếm khoảng 38%, nguyên nhân là do chưa áp dụng đúng quy trình tái canh của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT Ban hành theo Quyết định số 273/QĐ-TT-CCN ngày 3/7/2013. Diện tích cà phê già cỗi của nước ta lớn, được trồng bằng các giống địa phương nên năng suất thấp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là trong việc tái canh là phải trồng các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt thay thế cho các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp.
Sản xuất cà phê có chứng nhận nhằm mục đích đảm bảo thực hiện đúng quy trình sản xuất, cải thiện thu nhập điều kiện sống của người dân thông qua việc giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy sự bền vững cả ba mặt: xã hội, môi trường và kinh tế. Tuy nhiên sản xuất cà phê có chứng nhận tại Việt Nam bước đầu còn rất nhiều hạn chế, đến nay cả nước có trên 102.150 hộ gia đình tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận với tổng diện tích trên 172.417 ha. Sản lượng mỗi năm đạt 622.706 là 3.000 tấn. Như vậy, cà phê có chứng nhận chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê cả nước, tỷ lệ trên còn quá thấp so với cà phê hiện có của Việt Nam.
Những năm gần đây, với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng có nhiều bất lợi, ngành sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối đầu với một thách thức rất lớn: thiếu nước tưới trong mùa khô dẫn đến việc sụt giảm năng suất nghiêm trọng, nhiều vùng tưới không đúng quy trình hướng dẫn gây lãng phí 2 nước. Vì vậy, vấn đề tưới nước là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan, ban ngành trung ương cũng như địa phương.
Từ năm 2010 cho đến nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đã tiến hành thực hiện các đề tài nghiên cứu kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê mang lại hiệu quả cao. Từ những lý do trên, việc xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên là điều hết sức cần thiết để phát triển ngành cà phê Việt Nam được ổn định hiệu quả và bền vững. Đó cũng chính là nội dung của dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên” do TS. Trần Vinh, công tác tại Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Sau một thời gian thực hiện, dự án đã thu được một số kết quả chính như sau:
- Dự án đã xây dựng được 3 mô hình: Mô hình trồng tái canh cà phê vối, mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận, mô hình tưới tiết kiệm nước với diện tích 415 ha tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum). Trong đó:
+ Mô hình tái canh cà phê vối: 80 ha (tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng) với 119 hộ dân tham gia. Sau gần 3 năm trồng các mô hình cho thấy:
* Tỷ lệ cây sống ở mô hình trung bình 95,2% cao hơn ngoài sản xuất đại trà (92,0%), chưa thấy có sự khác biệt rõ về tỷ lệ cây sống giữa các vườn có thời gian luân canh và không luân canh.
* Các vườn mô hình cà phê già cỗi năng suất thấp < 2 tấn nhân/ha có tỷ lệ cây vàng lá do nhiễm bệnh thấp có thể trồng ngay không cần luân canh.
+ Mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận: 308 ha (tại 5 tỉnh Tây Nguyên) với 425 hộ dân tham gia. Tất cả 308 ha với 425 hộ tham gia đã được xác nhận sản xuất cà phê chứng nhận Rainforest Alliance/4C/ UTZ certified. Mô hình đạt kết quả cao hơn so với mục tiêu đặt ra (mục tiêu là 60% diện tích được xác nhận sản xuất cà phê chứng nhận Rainforest Alliance/4C/ UTZ certified) và năng suất trung bình đạt 4,2 tấn nhân/ha, hiệu quả cao hơn 31% so với sản xuất đại trà.
- Mô hình tưới tiết kiệm nước: 27 ha (tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai) với 27 hộ dân tham gia. Các mô hình tưới nước này tiết kiệm được 20% lượng nước tưới, 22,9% lượng phân bón và 16,1% chi phí công lao động so với sản xuất đại trà.
- Tập huấn kỹ thuật cho 2.115 người trong và ngoài mô hình, 3.094 người tham gia hội thảo, tham quan tổng kết tại các điểm triển khai mô hình. Các hộ tham gia đều vận dụng vào sản xuất cho gia đình và hướng dẫn cho người dân trong vùng để nhân rộng mô hình.
- Đào tạo huấn luyện (TOT) cho 1.069 học viên về kỹ thuật trồng chăm sóc, chế biến, bảo quản cà phê. Các học viên đều nắm vững kiến thức và có khả năng đứng lớp truyền đạt những kiến thức đã được học lại cho người dân sản xuất cà phê.
- Công tác quản lý, tổ chức thực hiện được phối hợp chặt chẽ với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, cán bộ khuyến nông và cán bộ địa phương nơi xây dựng mô hình hàng năm đều có biên bản nghiệm thu cơ sở tại địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15135/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
diện tích, cà phê, năm tuổi, thách thức, vấn đề, già cỗi, năng suất, sinh trưởng, phát triển