Dự báo kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới
Cập nhật vào: Thứ hai - 11/02/2019 12:18 Cỡ chữ
Ngày 8/1/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra ra dự báo kinh tế toàn cầu trong Báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" (Global Economic Prospects) 2019. Theo đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong hai năm 2018 và 2019, xuống lần lượt còn 3% và 2,9%, giảm so với báo cáo hồi tháng 6/2018 (3,1 % ).
Kinh tế toàn cầu sẽ mất đà tăng trưởng trong năm 2019 và 2020, do một chuỗi các yếu tố tiêu cực, từ căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính cho đến những thách thức về tiền tệ ở nhiều thị trường đang nổi.
Theo WB, thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, đồng thời một số nền kinh tế mới nổi đang chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính.
Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống mức 2% trong năm nay. Tốc độ chậm lại chủ yếu do các trung tâm kinh tế, các nước phát triển được xem là đầu tàu của kinh tế toàn cầu đều đánh mất đà tăng trưởng. Kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 (Bảng). Cụ thể, kinh tế Mỹ năm 2018 tăng trưởng mạnh, ước đạt 2,9%, tăng 0,2% so với dự báo của WB tháng 6/2018. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 2,5% trong năm 2019 và xuống còn 1,7% năm 2020.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm dần, chi phí vốn vay tăng lên và chính sách thiếu ổn định sẽ là gánh nặng đối với viễn cảnh của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Tăng trưởng cho nhóm này được kỳ vọng giữ vững mức 4,2% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó.
Xu hướng tăng xuất khẩu hàng hóa đang chững lại, trong khi các hoạt động nhập khẩu có dấu hiệu giảm dần. Tăng trưởng bình quân đầu người của 35% các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi không đủ để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia phát triển trong năm 2019. Tỷ lệ này đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, xung đột và bạo lực lên đến 60%.
Theo WB, thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang có thể tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.
Rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên. Mặc dù vốn vay có vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhiều quốc gia đối phó với các nhu cầu phát triển quan trọng, tuy nhiên tỉ lệ nợ so với GDP ở các quốc gia này đang leo thang, và tỉ trọng nợ đang nghiêng dần về các nguồn vốn thị trường có chi phí cao.
Đồng thời, việc thực hiện nhiều hoạt động phát triển cùng lúc có thể làm chậm tốc độ phát triển. Chi phí vốn vay thắt chặt ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào và tốc độ tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Nợ công và nợ tư nhân leo thang trong thời gian qua có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của những thay đổi trong điều kiện tài chính và tâm lý thị trường. Căng thẳng thương mại gia tăng có thể tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.
Các chuyên gia WB cho rằng, việc duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức thấp và ổn định như thời gian trước sẽ không còn dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Duy trì tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức thấp trở thành thách thức khó khăn không kém việc đạt tỉ lệ này trước đây.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc mắc kẹt trong căng thẳng thương mại, khiến các thị trường tài chính chao đảo nhiều tháng qua. WB dự báo tăng trưởng tại Mỹvà Trung Quốc đều giảm so với năm ngoái. Hai nước này đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu, khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. WB tính toán 2,5% thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu được áp năm ngoái. Con số này có thể còn tăng gấp đôi nếu các loại thuế bổ sung được áp thêm. Dù vậy, hai bên vẫn đang nỗ lực tìm cách giải quyết căng thẳng.
Kinh tế Trung Quốc ước đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 2020, giảm so với mức 6,5% của năm 2018, do thương chiến với Mỹ. Hiện thách thức lớn nhất đối với các chính sách của Bắc Kinh là quản lý rủi ro liên quan đến vấn đề thương mại. Tiêu dùng sẽ vẫn là động lực chính của nền kinh tế, trong bối cảnh đà tăng trưởng tín dụng và hoạt động đầu tư tại nước này yếu đi. Xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ bị tác động trước sức ép từ các biện pháp thuế quan của Mỹ và nhu cầu thế giới "hạ nhiệt". Theo WB, để kích thích nền kinh tế, Trung Quốc có thể tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và cắt giảm thuế kinh doanh hơn nữa.
GDP của Eurozone ghi nhận mức tăng 1,9% trong năm 2018, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 6/2018 và sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2019, với tăng trưởng ước chỉ còn 1,7%.
Các mức dự báo tăng trường của gần như mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều bị hạ xuống. Báo cáo cũng hạ đáng kể mức dự báo tăng trưởng với Nga và các nền kinh tế mới nổi chủ chốt như Mexico, Nam Phi, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Tuy nhiên, Ấn Độ và Indonesia không bị hạ dự báo tăng trưởng.
Cùng với việc hạ mức dự báo tăng trưởng, báo cáo mới nhất của WB cũng hạ dự báo giá dầu trong hai năm tới xuống còn 67 USD/thùng, giảm 4 USD so với dự báo công bố tháng 12/2018 của họ. Tổng giao dịch thương mại toàn cầu suy yếu là một nguyên nhân chính gây ra giảm tăng trưởng toàn cầu. WB dự báo giao dịch thương mại toàn cầu sẽ suy giảm thêm 0,5% trong năm 2018, 2019 và cả 2020 so với báo cáo tháng 6/2018.
Báo cáo cập nhật của WB vẫn giữ nguyên đánh giá kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm, chứ không rơi vào suy thoái. Theo ông Ayhan Kose, Trưởng Nhóm Dự báo tăng trưởng toàn cầu, triển vọng có thể được cải thiện nếu xuất hiện các chiều hướng tích cực, như việc các thị trường tài chính bình ổn trở lại trước thông tin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thận trọng tăng lãi suất, hay một số tranh chấp thương mại tác động đến kinh tế toàn cầu được giải quyết.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo “những mảng tối” của kinh tế thế giới 2019. WB cảnh báo tình trạng chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã và đang gây ra nhiều tổn thất, đồng thời đe dọa tiếp tục gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu. Báo cáo của WB năm nay được đánh giá là bi quan hơn so với một năm trước khi thi thoảng lại lặp lại những thông điệp kêu gọi hành động "cấp bách", "mệnh lệnh" hay "thiết yếu" với chính phủ các nước để ngăn chặn kịch bản xấu nhất xảy ra. "Các nguy cơ đang gia tăng", chuyên gia kinh tế học cao cấp Ayhan Kose của WB cho biết. "Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn. Các bầu trời tối mịt và chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu". Trong bối cảnh đó năm nay WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn so với dự báo trước đó. Các mức dự báo tăng trường của gần như mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều bị hạ xuống. Ông Kose hy vọng sẽ có một giải pháp cho vấn đề này, song hối thúc các chính phủ sẵn sàng cho một chặng đường khó khăn trước mắt.
Các chuyên gia của WB cho rằng, để duy trì tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần xây dựng lại vùng đệm chính sách và tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả quản lý nợ và đầu tư, đồng thời xây dựng các khung chính sách vĩ mô - tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn. Cụ thể, cần ưu tiên đẩy mạnh hoạch định rủi ro, thúc đẩy thương mại và tăng cường tiếp cận tài chính. Cùng với đó, để giữ vững đà tăng trưởng, các quốc gia đang phát triển cần chú trọng đầu tư nhân lực, tăng trưởng bao trùm và tăng cường khả năng kháng cự cho cộng đồng.
Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế, Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế là một trong những điều kiện quan trọng đối với giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung. Triển vọng kinh tế thế giới tối dần, do đó cần ưu tiên đẩy mạnh hoạch định rủi ro, thúc đẩy thương mại và tăng cường tiếp cận tài chính nhằm định hướng bối cảnh không rõ ràng hiện nay và tạo đà cho tăng trưởng”.
P.A.T (NASATI), theo Global Economic Prospects 2019, World Bank